1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hậu bão Chanchu: Ngồi lại tìm nguyên nhân

(Dân trí) - Cơn bão Chanchu tưởng chỉ “chào hỏi” Việt Nam bằng “biển động mạnh và mưa rào”, không ngờ lại cướp đi hàng chục sinh mạng ngư dân miền Trung. Bão đã qua, nhưng những câu hỏi về công tác dự báo bão Chanchu? Tỉ lệ sai sót của công tác dự báo của ta so với quốc tế như thế nào?... vẫn khiến dư luận băn khoăn.

Một loạt câu hỏi như: phải chăng công tác dự báo của chúng ta quá lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu; Trung tâm khí tượng của ta không thể xác định được đối tượng dự báo; và đặc biệt công tác dự báo của ta trong những năm tới ra sao...? đã được ông Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo Khuyến  học & Dân trí, Chủ tịch Hội các nhà báo viết về môi trường đặt ra và hy vọng sẽ tìm được lời giải tại cuộc tọa đàm do báo Tiền Phong cùng Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) tổ chức chiều 26/5.

Không xác định nổi đối tượng dự báo

Theo đánh giá của GS.TS Đinh Văn Ưu - Giảng viên khoa Hải dương học (ĐH Quốc gia Hà Nội), sở dĩ có những thiệt hại đáng tiếc do cơn bão Chanchu gây ra cho các ngư dân là do quy trình dự báo thời tiết hiện hành của chúng ta mới chỉ đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho phần đất liền và ven biển.

Việc không đưa ra đầy đủ các thông tin dự báo cho các vùng biển, vùng đảo xa bờ trong các bản tin dự báo thời tiết là một sai lầm đáng tiếc và hoàn toàn không phù hợp. Việt Nam đã tham gia Công ước về luật biển năm 1982, vì thế chúng ta cần phải đảm bảo an toàn không chỉ vùng biển tại Việt Nam mà còn các vùng biển của các quốc gia lân cận.

Quán triệt điều này, chúng ta cần phải thay đổi quy trình dự báo, không thể dự báo trong 24 giờ được, bởi như thế là quá ngắn. Cần xác định mục tiêu dự báo để phục vụ nhân dân.

Về điều này, Th.S Lê Công Thành - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho rằng, với các trang thiết bị như hiện nay, khả năng của Trung tâm chỉ có thể dự báo trong khoảng thời gian 24 giờ.

“Là những người làm dự báo, chắc chắn chúng tôi có theo dõi, thu thập và xử lý một cách có khoa học các thông tin từ các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trong khu vực và quốc tế mà điển hình là các trung tâm dự báo của Nhật Bản, Mỹ... Chúng tôi hiện đang theo dõi rất nhiều trung tâm dự báo trên thế giới.

Còn vì sao chúng ta không báo cho ngư dân dựa trên những thông tin từ các trung tâm nói trên thì tôi xin khẳng định là công tác dự báo bao giờ cũng có sai số. Càng dự báo xa thì độ chính xác càng giảm” - ông Thành lý giải.

Cũng theo ông Thành, sau khi dự báo của Nhật Bản đưa ra thông tin cơn bão di chuyển lên phía Bắc, ngày 15/5, Trung tâm đã phát bản tin đưa thông tin này. Nhưng 2 ngày sau đó ông Thành và các cán bộ trung tâm dự báo không nhận được thông tin có ngư dân ở trên biển từ các cơ quan có liên quan.

Ông Thành cho biết: “Nếu ngày 15/5 có thông tin về việc có ngư dân của chúng ta trên biển thì chúng tôi đã có cách xử lý khác”.

Sẽ có bản tin dự báo 48 giờ từ cơn bão số 2

Hậu bão Chanchu: Ngồi lại tìm nguyên nhân - 1

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Theo Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, vấn đề chúng ta cần đặt ra sau cơn bão Chanchu không chỉ là cảnh báo bão mà còn là việc chạy trốn khỏi bão. Hiện nay, với trình độ khoa học của thế giới, nhiều nước đã có vệ tinh viễn thám, chúng ta hoàn toàn có khả năng để mua và phóng những vệ tinh viễn thám lên không trung để nghiên cứu khí tượng thuỷ văn, dự báo thời tiết hoặc ứng dụng vào những vấn đề khác.

“Trên các tàu của chúng ta, sẽ phải có nhiều các thiết bị thông tin tầm xa và trên các tàu đánh bắt xa bờ, các thuyền viên đều phải được huấn luyện sử dụng chúng. Và ở thế kỷ này, có lẽ chúng ta nên chấm dứt dùng các tàu thuyền bằng gỗ hoặc tàu nhỏ đi đánh cá xa bờ ở khoảng cách 2.000km.

Khi xảy ra bão biển, hoặc sóng thần, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài tiếng nói Việt Nam cần phải thông tin nhiều hơn và dùng máy có tần suất lớn hơn để thông tin cho bà con” - Tiến sĩ Khải đề xuất.

Về ý kiến cho rằng, các bản tin dự báo của Đài Tiếng nói Việt Nam không đến được với các ngư dân trên biển vì thế mới dẫn đến các thiệt hại nặng nề, ông Phạm Văn Ly, Trưởng phòng kỹ thuật phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Đài tiếng nói Việt Nam có phủ sóng tới vùng biển Đông.

Mặc dù chúng tôi chưa có điều kiện đặt chân tới đó, nhưng chúng tôi vẫn có thông tin từ những ngư dân khi họ gửi thư tới Ban bạn nghe đài. Vì vậy, chúng tôi cũng có thể biết được sóng có tới được những vùng biển đó hay không. Công việc này đã được chúng tôi tiến hành từ nhiều năm nay, thậm chí các ngư dân cũng đã nghe rõ các buổi tường thuật bóng đá trong nước và quốc tế”.

Kết thúc buổi tạo đàm, Th.S Lê Công Thành cho biết, Trung tâm dự báo sẽ làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để đưa ra những dự báo chính xác giúp giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và của. Và từ cơn bão số 2 tới, trên website của Trung tâm cũng như trong những bản tin dự báo phát trên truyền hình sẽ có những bản tin dự báo trong 48 giờ.

Tuy nhiên, dự báo càng xa thì sai số càng lớn, dự báo trên 24 giờ sai số sẽ trên dưới 100 km. Còn nếu dự báo trên 48 giờ thì sai số sẽ là 200-250km và trước 72 giờ thì sai số sẽ là 400-450 km.

Do đó, sự trợ giúp từ công nghệ để công tác dự báo đạt độ chính xác tối đa đang là một đòi hỏi hết sức cấp bách. Việc mua và phóng những vệ tinh viễn thám lên không trung phục nghiên cứu khí tượng thuỷ văn và dự báo thời tiết cũng cần được tính toán ngay từ bây giờ.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm