50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Chuyện cứu kho xăng trong mưa bom bão đạn nửa thế kỷ trước

(Dân trí) - Sau loạt bom của máy bay Mỹ, kho xăng dầu Vinh - Bến Thủy bốc cháy ngùn ngụt. Phải cứu kho xăng - cứu nguồn nhiên liệu cung ứng cho chiến trường miền Nam! Mệnh lệnh phát ra từ trái tim những người dân TP Vinh…



Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) là một trong những điểm tập kết vũ khí, khí tài, lương thực. Từ đây, bằng đường thủy, đường bộ, hàng hóa được vận chuyển vào các chiến trường phục vụ quân dân miền Nam chiến đấu. Kho xăng dầu Bến Thủy được xây dựng ngay bên bờ sông Lam là nguồn cung ứng nhiên liệu cho chiến trường Miền Nam.

Ông Nguyễn Trung Hùng (SN 1935, trú phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) khi đó là Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm xã đội phó xã đội Hưng Dũng nhớ lại: “Vì yếu tố bí mật nên việc vận chuyển xăng dầu chỉ diễn ra vào ban đêm. Ngày, chúng tôi sản xuất, đêm xuống Trung đội dân quân thuộc đại đội Phong Định của xã đội Hưng Dũng đều ra kho xăng. Nhiệm vụ của chúng tôi và đẩy những phuy xăng xuống tàu để vận chuyển vào Nam bằng đường biển. Trung bình mỗi đêm phải tập kết khoảng 300 phuy xăng loại 100 lít xuống tàu. Hôm nào tàu nhiều thì mọi người phải thức trắng đêm để làm”.

Chuyện cứu kho xăng trong mưa bom bão đạn nửa thế kỷ trước

Ông Nguyễn Trung Hùng - nguyên Bí thư Đoàn thanh niên kiêm xã đội phó xã đội Hung Dũng (TP Vinh, Nghệ An).

Với việc dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ lộ rõ dã tâm leo thang phá hoại miền Bắc. Chiến dịch “sấm rền” phát đi tín hiệu đánh phá tất cả các kho xăng dầu hòng cắt đứt nguồn nhiên liệu cung ứng cho chiến trường miền Nam. Kho xăng dầu Bến Thủy là mục tiêu đánh phá của bọn “giặc trời”.

“Khoảng 12h15 phút ngày 5/8/1964, cả thành phố đang bình yên, tôi nghe tiếng máy bay Mỹ từ hướng Hồng Lĩnh theo dọc sông Lam hướng vào thành phố. Một loạt bom nổ ầm ầm. Tôi chạy ra đường. Kho xăng đang bốc cháy! Cả cột lửa bốc cao cả chục mét, trùm hết cả một khu vực kho xăng nội (xăng để trong bể chứa - PV). Cứu kho xăng! Mọi người hét lên rồi chạy như bay tới kho”, ông Hùng nhớ lại.

Còi báo động vang lên. Dân quân Hưng Hòa, đội tự vệ kho xăng cùng hàng trăm người dân lao tới kho. Lúc này, kho ngoại trúng bom, lửa bốc cháy dữ dội. Ông Đặng Đức Dư - cán bộ kỹ thuật kho xăng cho biết, lửa chưa lan tới kho ngoại (là khu vực chứa xăng đã được đóng vào các thùng phi để chuyển vào Nam - PV) chưa bị ảnh hưởng. Nhiệm vụ cấp thiết là đẩy hàng nghìn phi xăng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Xe cứu hỏa lập tức có mặt tại hiện trường, phu nước xối xả vào khoảng trống giữa hai khu vực kho (khoảng 100m) để hạn chế sức nóng.

Chuyện cứu kho xăng trong mưa bom bão đạn nửa thế kỷ trước
Ông Hùng đang kể lại thời điểm máy bay Mỹ ném bom nhằm phá kho xăng dầu Bến Thủy hòng cắt đứt nguồn nhiên liệu cung ứng cho chiến trường Miền Nam.

Bất chấp nguy hiểm, hàng trăm người lăn xả vào kho cứu xăng. “Do đã quen với việc vận chuyển xăng từ kho xuống tàu nên chúng tôi đều thao tác nhanh gọn. Nóng hầm hập, sức nóng từ kho ngoại phả vào bỏng rát. Kệ! mọi người cứ lao vào, vần từng phuy xăng xuống rồi đẩy ra ngoài. Hàng nghìn người dân đến tiếp ứng, đẩy xăng từ kho Đê 42 cách đó chừng 500m. Người ta đào hố, đẩy phuy xăng xuống rồi lấp đất lại. Nhiều chị dân quân bị lửa táp sém cả tóc...”, ông Hùng kể tiếp.

Đồng chí Hạp - thành đội phó có mặt trực tiếp chỉ huy việc ứng cứu kho xăng. Dân quân tự vệ các đơn vị, nhà máy của thành phố cũng được huy động về. Đến khoảng 14h, toàn bộ số xăng dầu lên tới gần 1 triệu phuy đã được giải phóng khỏi kho ngoại, tập kết đến địa điểm an toàn. Quân khu nhận định, bọn "giặc trời" sẽ quay lại đánh phá thành phố lần thứ 2, mọi người tiếp tục trực chiến để cứu kho xăng trong trường hợp bất trắc xảy ra.

Hướng tầm mắt ra dòng sông Lam đang lững lờ trôi ra biển, ông Hùng kể tiếp: “Đúng như dự đoán, khoảng hơn 16h, còi báo động lại vang lên. Pháo 100 ly từ trận địa Đồng Dung bắn rầm rầm. Máy bay Mỹ định vào trút bom kho xăng. Tất cả các trận địa pháo bắn liên tiếp. Trước sự chống trả quyết liệt của mặt đất, bọn “giặc trời” không thể vào ném bom kho xăng nên quay sang tấn công trận địa pháo cao xạ bên Nghi Xuân và căn cứ Hải quân ở Cửa Hội”.

Toàn bộ số xăng đã được đóng phuy đều được cứu an toàn nhưng 6 bể lớn chứa xăng ở kho nội bị tiêu hủy hoàn toàn. Lửa cháy suốt 3 ngày đêm mới tàn. Ngay sau đó, kho xăng được khôi phục, hoạt động sản xuất, chiến đấu được củng cố để phục vụ nhiệm vụ cung ứng nhiên liệu cho chiến trường niềm Nam. Những người tham gia cứu kho xăng dầu Bến Thủy cũng được tặng một chiếc huy hiệu chiến thắng 5/8 để ghi nhận sự đóng góp chiến thắng trận đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc.

“Ngày đó, không ai nghĩ đến hiểm nguy, không ai nghĩ đến tính mạng của mình đâu. Độc lập, thống nhất đất nước là trên hết. Cả kho xăng bốc cháy ngùn ngụt nhưng với tinh thần dũng cảm và lòng căm thù bọn cướp nước, trong mỗi chúng tôi lúc đó chỉ có một mệnh lệnh duy nhất: Phải cứu kho xăng, cứu nguồn nhiên liệu phục vụ vận tải cho chiến trường miền Nam”, ông Hùng khẳng định.

50 năm đã trôi qua, kho xăng dầu Bến Thủy vẫn được đóng ở địa điểm cũ nhưng giờ đã được xây dựng khang trang, vững chãi hơn. Chiếc cầu cảng ngày xưa giờ cũng đã khác, kiên cố, vững chắc vươn ra dòng sông Lam hiền hòa, thơ mộng. Những người ngày xưa lăn xả vào lửa cứu xăng giờ người còn, người mất nhưng ký ức ngày Vinh rực lửa vẫn là một mốc son trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của quê hương Làng Đỏ anh hùng.

Hoàng Lam