Chuyện cảm động về đám cưới không có chú rể
Trong khi những cặp vợ chồng khoẻ mạnh, có với nhau mấy mặt con nhưng chỉ vì một xích mích nhỏ cũng xuống tay tước đoạt mạng sống thì vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng đang ngày đêm chăm nhau tận tụy dù bạn đời chỉ là những tấm thân tàn vì bệnh tật.
Vợ chồng ông Diên, bà Nguyết sum vầy bên con cháu. Ảnh: PL
Bà chấp nhận làm đám cưới trong khi người chồng tương lai vẫn nằm ở trại thương binh, bị liệt nửa người, nửa tỉnh nửa mê. Nhưng gần 40 năm qua, chuyện tình như cổ tích đó đã được xây dựng nên bằng một gia đình ngập tràn hạnh phúc.
Tình yêu đồng đội
Về xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, Hà Nội), hỏi về nhà vợ chồng ông Lương Công Diên (SN 1954) và bà Bùi Thị Nguyết (SN 1955) ai ai cũng biết, bởi gần 40 năm qua, chuyện tình của họ hay được mọi người nhắc đến.
Trong căn nhà cấp bốn nằm ép mình dưới chân núi Trán Voi, bà Nguyết gần như thay chồng trò chuyện với khách. Bà kể, do di chứng của chiến tranh nên khả năng phát âm của chồng rất khó khăn. Gần đây, sau nhiều lần biến chứng vết thương cũ, tai của ông ngày một kém đi.
Nhớ lại thời trẻ, bà Nguyết kể, cả hai vợ chồng là những người hàng xóm thân thiết, cùng học từ tiểu học đến THPT, rồi sau đó viết đơn xin đi bộ đội. Ông Diên theo Trung đoàn 12 đi B vào vùng Tây Nguyên năm 1971, đến năm 1972 thì bị thương nặng trong một lần đi trinh sát. Vài năm sau đó, bà cũng viết đơn xin vào kho quân khí và hành quân lên khu vực Lạng Sơn làm nhiệm vụ. Khi ấy, hai người vẫn liên lạc với nhau qua những cánh thư. Từ lúc ông Diên bị thương nặng, mất trí nhớ, hai người gần như mất hết thông tin về nhau. Khi hai miền Nam - Bắc sum họp, bà Nguyết về quê, còn ông Diên vẫn di chuyển từ trại thương binh này đến trại thương binh khác.
Với nét duyên của người xứ Mường, khi ấy bà Nguyết cũng được nhiều thanh niên trong làng để ý. Nhiều người tìm đến với bố mẹ để thuyết phục bà về làm dâu, nhưng không hiểu sao bà đều không đồng ý. Trong những bữa cơm gia đình, nghe bố mẹ kể về người hàng xóm mà bấy lâu nay vẫn gửi thư cho mình bị thương nặng, nay đây mai đó theo các trại thương binh không ai chăm sóc, bỗng dưng trong bà dâng lên một cảm giác rất lạ.
Hàng ngày, bà Nguyết qua gia đình hàng xóm hỏi han về tình hình bệnh tật của ông Diên, rồi có gì thì giúp nấy. Hôm thì đi cấy giúp sào ruộng, hôm giúp gánh cỏ, gia đình ông Diên cũng vì thế mà thêm quý bà. Rồi anh trai của ông Diên, lúc đó là Chủ tịch xã thuyết phục, chẳng suy nghĩ, bà bằng lòng lấy ông.
Về kể chuyện với gia đình, tuy không phản đối với quyết định của con gái, nhưng bố mẹ bà lo lắng nhiều lắm. Lo vì ông Diên đang bị mất trí nhớ, liệt nửa người, nói năng rất khó khăn. Liệu khi cưới về, con gái của mình có được thiên chức làm mẹ hay không? Trong lúc khó khăn, ai sẽ là người trụ cột gia đình?
Những câu hỏi dồn dập từ phía gia đình cũng từng được cô gái trẻ nghĩ tới, nhưng càng nghĩ, cô như càng thêm động lực: “Trong chiến tranh, xông pha trận mạc chẳng sợ đến hiểm nguy, giờ thời bình rồi còn ngại gì khó khăn vất vả?”, sau gần 40 năm, bà Nguyết mới nắm tay chồng để nói ra những suy nghĩ giản dị ấy.
Đám cưới tập thể: 5 đôi, 9 người
Nhớ lại đám cưới năm 1977, bà Nguyết bảo, vì lúc này ở địa phương đang bắt đầu xây dựng đời sống mới nên việc cưới hỏi cũng diễn ra rất giản dị.
Đám cưới không tổ chức tiệc tùng, bánh kẹo ở nhà riêng mà cùng với bà lúc đó còn có 4 đôi khác nữa. Tất cả đều được UBND xã tổ chức với sự chứng kiến của hai bên nội ngoại và chính quyền địa phương. “Đơn giản như vậy thôi mà chúng tôi cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc lắm. Thậm chí, khi tôi bước lên bục sân khấu để mọi người nhìn mặt, những tràng pháo tay liên hồi, bởi trong 5 đôi được tổ chức, chỉ mình tôi là không… có chồng. Lúc đó, anh Diên bị liệt một nửa, đang điều trị ở trại thương binh trên tận Phú Thọ. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình lúc đó can đảm thật”, bà Nguyết kể.
Sau khi cưới, ông Diên được chuyển về trại thương binh Ba Thá (huyện Ứng Hòa) để điều trị nên cũng gần gia đình hơn. Hai năm sau họ sinh con đầu lòng. “Mặc dù bệnh tật nặng nhưng anh ấy rất có nghị lực. Cứ khỏe một tí là về thăm vợ và gia đình, giúp đỡ những việc lặt vặt trong nhà”, bà Nguyết nói.
Cưới nhau 11 năm thì ông Diên xin ra khỏi trại thương binh, về với gia đình vì bệnh tật cũng đỡ phần nào. Nhưng vì di chứng của chiến tranh, một vài mảnh đạn và mảnh mi-ka (để vá chỗ xương thủng) còn nằm trong đầu ông; lúc thời tiết trái gió trở trời, ông lại đau buốt ê ẩm, ngất lên ngất xuống. Những lúc như vậy gần như một tay bà Nguyết chăm sóc ông.
Trong những lời nói khó khăn, ông Diên bảo, bị bệnh nặng nên mọi chuyện trong gia đình một mình bà Nguyết gánh vác, bà vừa làm cha, vừa làm mẹ vừa chăm bố mẹ chồng. Đó là niềm hạnh phúc và động lực để ông vượt qua bệnh tật. Lúc mới bị thương, việc đi lại của ông là không thể nhưng cảm phục trước người vợ thảo hiền, ông đã tập luyện để đi lại được như ngày hôm nay.
Kể về tình yêu, niềm vui và những vất vả, khó khăn trong cuộc sống, bà Diên nói không thể đong đếm được. “Cái quan trọng là trong mọi hoàn cảnh chúng tôi vẫn dành tình yêu thương cho nhau, xây dựng hạnh phúc”, bà Nguyết nói.
Theo Lan Phương
Gia đình & Xã hội