1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bình Định:

Chuyện bi hài ở làng lắm “không”

(Dân trí) - Không điện lưới quốc gia, không trạm y tế, không và…không. Cuộc sống gần như “cô lập”, tự cung tự cấp. Để "bước chân" ra cuộc sống bên ngoài, dân cả làng cùng nhau xẻ núi mở đường, bỏ tiền túi mua máy phát điện…

Thăm làng nhiều “không”

Nếu đi đường bộ, từ trung tâm xã Canh Liên phải mất vài tiếng đồng hồ cuốc bộ mang theo thức ăn, nước uống, băng qua nhiều cánh rừng mới chạm đến đất làng Canh Tiến. Còn nếu bằng đường thủy theo hồ Núi Một (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn) thì mất khoảng gần 1 tiếng đi thuyền.

Người làng Canh Tiến chủ yếu là người đồng bào Ba Nam, Chăm, H’re và người Kinh sinh sống. Do khó khăn đi lại về địa hình, giao thông đi lại khó khăn, thiếu thốn trăm bề, người dân gần như sống “cô lập” giữa núi rừng.

Đến làng Canh Tiến bằng thuyền qua hồ Núi Một chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ
Đến làng Canh Tiến bằng thuyền qua hồ Núi Một chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ

Sau gần 1 tiếng đồng hồ cùng với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh theo ghe của bác chủ ghe làm nghề buôn bán, cung cấp lương thực, thực phẩm cho làng, chúng tôi đã đặt chân đến đất làng Canh Tiến.

Gặp khách, ông Phạm Đình Ngọc (52 tuổi, người làng Canh Tiến) niềm nở: “Lâu lắm rồi mới có người lạ đến làng. Tôi vốn ở thị xã An Nhơn, lấy vợ người Chăm rồi sống ở đây cũng ngót 20 năm rồi đấy! Cuộc sống ở đây còn thiếu thốn lắm, không điện lưới quốc gia, không có đường, trạm ý tế… nhiều lúc muốn đưa vợ con về quê chơi mà không đi được vì nhiều lý do…”

Trắc trở về địa hình, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng cơ sở thiếu thốn khiến cuộc sống người dân nơi đây luôn sống rơi vào cảnh túng thiếu. Những sự hỗ trợ của nhà nước như "muối bỏ bể", nên cái đói nghèo vẫn đeo bám người dân làng Canh Tiến mấy chục năm qua. Người dân trong làng nói, hàng năm chỉ làm được 1 vụ lúa Đông Xuân vì thiếu thiếu nước, chủ yếu lấy "nước trời", năng suất thấp, có khi không đủ ăn đến mùa giáp hạt. Tiếng là ở rừng nhưng lại không có đất mà canh tác, trồng keo lai lấy gỗ cũng làm thuê cho họ, nhà nào có rẫy trồng bán cũng không ai thèm mua vì giao thông cách trở.

Ông Ngọc sống tạm với nghề mộc ở làng Canh Tiến
Ông Ngọc sống tạm với nghề mộc ở làng Canh Tiến
Người dân nào có điều kiện thì tự mua máy phát điện rồi 3-4 gia đình chung tiền mua dầu để thắp sáng
Người dân nào có điều kiện thì tự mua máy phát điện rồi 3-4 gia đình chung tiền mua dầu để thắp sáng

“Nếu dưới xuôi, 1 ha keo lai thương lái bán cả 50 triệu, còn trên này bán 15 triệu mà không ai thèm mua. Thậm chí bị ép giá còn 10 triệu mà nài nỉ họ không thèm mua do giao thông không thuận lợi. Khổ là vậy nhưng cũng cắn răng mà chịu. Cứ vậy bảo dân sao "mở mắt" được (!)”, ông Ngọc thở dài.

Chuyện “hài” chỉ có ở làng lắm…không

Giao thông đi lại trắc trở nên chỉ khi có việc cần, người dân làng Canh Tiến mới phải cuốc bộ mất nửa ngày để đặt chân đến trung tâm xã Canh Liên. Ngoài ra, muốn biết thông tin bên ngoài, chủ yếu người dân liên lạc qua điện thoại di động. Tuy nhiên, cũng từ chỗ đó mà có câu chuyện “bi hài” mà kể ai cũng bật ngửa ra cười. Nguyên do là tại một khoảnh đất tại Suối Chùa rộng chỉ chừng 1m2 là có sóng điện thoại nên ai cùng tranh nhau ra hứng sóng gọi điện thoại. Từ việc tranh nhau gọi điện thoại mà xảy mâu thuẫn, cãi vã nên làng phải lập ra quy định ưu tiên cho người dân có việc khẩn cấp như gia đình có người ốm đau, bệnh tật… còn lại xếp hàng ai đến trước thì dùng trước.


Chuyện hài nhưng có thật chỉ 1m2 có sóng điện thoại dân làng phải xếp hàng đến lượt gọi điện thoại khi có việc cần.

Chuyện "hài" nhưng có thật chỉ 1m2 có sóng điện thoại dân làng phải xếp hàng đến lượt gọi điện thoại khi có việc cần.

Người làng Canh Tiến vẫn còn giữ những ngôi nhà sàn
Người làng Canh Tiến vẫn còn giữ những ngôi nhà sàn

Không chỉ vậy, người làng Canh Tiến trước đây còn rất sợ đau ốm. Bởi hủ tục lạc hậu, khi có người thân đau ốm thì phải mời thầy lang về cúng vái và đâm trâu mời các làng bên sang ăn thì mới hết bệnh. “Mỗi con trâu vài chục triệu, nghèo mấy cũng phải mua trâu, không có thì vay mượn để chữa bệnh nên đã nghèo lại nghèo thêm. Vài năm trở lại đây tình trạng này không còn nữa thì người dân lại lo lắng vì sợ bỏ mạng giữa đường khi đến bệnh viện. Trạm xá không có, đường lên trung tâm xã phải lội bộ gần 1 ngày, khi đau ốm đành thuê thuyền để cấp cứu tại xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), mỗi lần đi là mất 700 ngàn đồng cho đến một triệu đồng. Còn không có tiền thì chấp nhận băng đường núi nguy hiểm và trắc trở”, ông Phạm Đình Ngọc nói.

Xẻ núi, mở đường

Phó làng Canh Tiến (xã Canh Liên), anh Phạm Long cho biết, hiện làng Canh Tiến có 127 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu sống chủ yếu là nghề làm ruộng, chăn nuôi. Cuộc sống người dân trong làng còn rất nhiều khó khăn: không có điện lưới quốc gia, đường giao thông, trạm y tế… gần như bị “cô lập” giữa núi rừng hoang vu.

Khi mở đường việc vật chuyển vật liệu xây dựng dễ hơn nên đã có nhiều nhà bê tông cốt thép kiên cố
Khi mở đường việc vật chuyển vật liệu xây dựng dễ hơn nên đã có nhiều nhà bê tông cốt thép kiên cố

Đầu năm 2014, để thoát khỏi cảnh sống cô lập, nhân dân trong làng bàn nhau rồi mang cuốc, xẻng và ngủ tại rừng để xẻ núi, mở đường lưu thông đến xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn). Sau gần 3 tháng ròng rã ăn bờ, ngủ bụi, con đường mòn dài gần 25km từ làng đến xã Nhơn Tân mới được hoàn thành. Xe máy có thể chạy nên rút ngắn thời gian và không phải đi bằng thuyền như trước đây.

“Để mở được con đường mòn 25km, dân trong làng phải mất gần 3 tháng với hơn 1.000 ngày công. Nhờ vậy, người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với bên ngoài trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Hy vọng cuộc sống người dân trong làng thời gian tới sẽ có nhiều đổi thay”, anh Long chia sẻ.

Ông Diệp Đăng Dũng (49 tuổi, làng Canh Tiến) - chủ chiếc thuyền chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm như mì tôm, dầu, thịt cá… cho người dân làng Canh Tiến, chia sẻ: “Ngày trước khi giao thông còn cách trở, làng chỉ vài nóc nhà. Bây giờ làng đã có nhiều ngôi nhà bê tông, sắt thép kiên cố, có tiệm tạp hóa. Một số nhà đã có tivi, điện thoại nhưng lại không có điện nên phải mua máy phát điện cá nhân. Chi phí tiền dầu: 350 ngàn đồng/tháng. Hiện nay, cả làng có hơn 10 máy phát điện tự sắm như thế để tìm nguồn ánh sáng ban đêm”.

Trẻ con trong làng đã biết đến với các trò chơi của trẻ thành phố
Trẻ con trong làng đã biết đến với các trò chơi của trẻ thành phố

Anh Nguyễn Văn Lam (43 tuổi, công an viên làng Canh Tiến) cho hay: Từ năm 2000, Nhà nước đã hỗ trợ máy phát điện và 800 lít dầu/năm để để thắp sáng làng Canh Tiến nhưng giờ cũng “đắp chiếu” vì quá tải. Người dân góp tiền sửa chữa nhưng chạy được vài hôm lại hư hỏng. Dân trong làng giờ chỉ mong ước có điện lưới quốc gia thì cuộc sống mới phát triển lên được.

Doãn Công

Chuyện bi hài ở làng lắm “không” - 8

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm