1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Ninh:

Chuyến bay "giải cứu" người Việt từ Vũ Hán - lời kể của "đội hậu cần"

(Dân trí) - Khi dư âm của chuyến bay đón đồng bào từ Vũ Hán trở về lắng xuống, khi được hỏi chuyện, những người làm hậu cần ở Sân bay Vân Đồn chia sẻ, với họ, làm được gì tốt nhất cho đồng bào thì luôn sẵn sàng.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 1

Công tác chuẩn bị kỹ càng

2 ngày chuẩn bị cho một quy trình hàng không ngoài trời

Cho đến giờ phút này, chia sẻ với chúng tôi về cảm giác khi nhìn thấy 30 công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về an toàn, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn chưa hết cảm giác bồi hồi.

“Khi đứng chờ đón bà con, chúng tôi có cảm giác hồi hộp, mong đợi hệt như đang đón đợi chính những người thân trong gia đình của mình trở về. Và khi máy bay hạ cánh, tôi cùng các anh em không ai bảo ai cùng vỡ òa sung sướng và thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy những người đầu tiên xuống máy bay. Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với bà con ở tâm dịch Vũ Hán đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi và mong mỏi được trở về quê hương như thế nào”, ông Sáu xúc động nói.

Ông Sáu kể, khi một hành khách thốt lên “Đất mẹ, sống rồi!”, không chỉ ông mà tất cả những người có mặt tại cuộc đón tiếp hôm ấy đều cảm thấy xúc động xen lẫn tự hào vì mỗi người đều đã góp phần nhỏ bé vào hành trình đưa đồng bào của mình từ vùng dịch về nước an toàn.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 2

Khu vực kiểm tra y tế và làm thủ tục 

Cũng theo ông Sáu, để có được cuộc đón tiếp chu đáo, an toàn như vậy, đội ngũ những người làm công tác hậu cần như các đơn vị, bộ phận thuộc chính quyền tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh, Hải quan, Công an cửa khẩu, Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã rất nỗ lực và cố gắng.

Còn theo một cán bộ giám sát hạ tầng của Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn thì mặc dù lịch bay có sự thay đổi ngoài dự kiến, thời gian đón thay vì 1h sáng bị lùi lại đến hơn 5h sáng, nhưng tất cả những người mặt đất luôn trong tâm thế sẵn sàng chờ đợi. Thậm chí, sau khi làm thủ tục cho khách xong và ngay cả khi khách đã lên xe đi về nơi cách ly thì những con người này lại lặng lẽ tiếp tục hoàn thành mọi công việc còn dang dở, khử trùng sân bay, quên đi mình đã có một đêm trắng và sắp bước vào một ngày làm việc mới.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 3

Xe bus sân bay được phun khử trùng sau khi chở người từ vùng dịch về

Theo chia sẻ của ông Sáu, thời gian đón chuyến bay rất gấp gáp, họ chỉ có hai ngày chuẩn bị. Hai ngày, nhưng phải vừa tổ chức các buổi đào tạo ngắn về phương án phòng dịch, vừa phải họp liên tục để thống nhất phương án phòng dịch, luồng tuyến khai thác, quy trình phối hợp…

“Chúng tôi đã nhanh chóng thống nhất được phương án tổ chức một quy trình hàng không ngoài trời, không vào trong nhà ga, tránh việc lây nhiễm chéo cũng như khả năng lây nhiễm qua hệ thống điều hòa không khí của nhà ga… Khi chuyển ra ngoài trời cũng phải chuẩn bị một số trang thiết bị, tạo ra những luồng tuyến bằng các dây chăng, bàn làm thủ tục. Tất cả hành khách được bố trí làm thủ tục ngoài trời, sau đó đi thẳng lên xe quân sự chờ sẵn để đi đến địa điểm cách ly. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho bà con, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường sân bay”, ông Sáu nói.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 4

Giây phút đầu tiên mở cửa máy bay

Bên cạnh đó, đón được người mình từ vùng dịch về an toàn nhưng phải đảm bảo tránh lây nhiễm cho những cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ như Hải quan, Công an cửa khẩu, nhân viên sân bay, những người phải tiếp xúc trực tiếp với hành khách từ vùng dịch trở về cũng là nhiệm vụ hàng đầu mà lãnh đạo Quảng Ninh và sân bay đặt ra.

Phương án đưa ra là tất cả những người tiếp xúc trực tiếp sẽ được trang bị đồ bảo hộ y tế, trùm kín bằng quần áo bảo hộ, mang kính, khẩu trang N95, mang ủng… Tuy nhiên một vấn đề cùng được đặt ra là việc mặc đồ bảo hộ vào không khó, nhưng khi cởi ra thì làm sao để đảm bảo không xảy ra nguy cơ lây nhiễm virus vào trong cơ thể? Và việc tập huấn nhanh cho tất cả những người tham gia chiến dịch lập tức được thực hiện.

Một cán bộ an ninh sân bay cũng cho biết, nhiều kịch bản đã được ban chỉ đạo đưa ra. Như khi khách xuống mà bị sốt thì phải xử trí thế nào? Khách không chịu đi cách ly thì xử lý ra sao? Chưa kể trong đoàn khách còn có phụ nữ mang thai… Rồi dự kiến ban đầu là trả hành lý cho từng khách, nhưng sau khi tính toán lại thì chốt lại phương án đưa tất cả hành lý lên một xe riêng, đưa thẳng về địa điểm cách ly để hạn chế tối đa mọi khả năng lây nhiễm ở sân bay.

“Nói chung nhiều tình huống từ đơn giản đến phức tạp đều được chúng tôi lên phương án, tập huấn kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, vị giám đốc sân bay chia sẻ.

Công tác tâm lý và sự phối hợp ăn ý

Theo ông Sáu, để có được chuyến bay an toàn như vừa rồi không chỉ là do có một quy trình hàng không ngoài trời được chuẩn bị chu đáo mà còn nhờ vào việc làm công tác tâm lý tốt cho anh em và sự phối hợp ăn ý giữa các đơn vị.

Cụ thể theo ông Sáu, việc chuẩn bị tâm lý cho những người làm công tác mặt đất cũng không hề đơn giản. Không chỉ riêng cán bộ, nhân viên sân bay mà tất cả các lực lượng phối hợp làm công tác này đều tỏ ra lo lắng khi phải trực tiếp phục vụ các chuyến bay tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 5

Tất cả vỡ òa khi người đầu tiên xuống máy bay

Tuy nhiên do khi còn làm việc tại Cảng vụ Hàng không miền Nam, bản thân ông Sáu đã tham gia vào các chiến dịch liên quan đến bệnh truyền nhiễm như dịch cúm A (H1N1), dịch MERS-CoV, đại dịch Ebola, cho nên khi nhận nhiệm vụ ông không quá ngỡ ngàng. Dù áp lực của lần này nặng nề hơn, đó là trách nhiệm với sân bay cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên.

“Chúng tôi đã phải vừa làm vừa động viên và hướng dẫn để mỗi người đều nhận thức được là rủi ro đang ở mức độ rất thấp. Tất cả đều được bảo vệ, khử trùng chặt chẽ và đây không chỉ là công việc đơn thuần mà hơn cả còn là sứ mệnh, là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng”, ông Sáu nói.

Chuyến bay giải cứu người Việt từ Vũ Hán - lời kể của đội hậu cần - 6

Những người mặt đất vẫn thầm lặng làm tốt công việc của mình, góp phần vào hành trình đón đồng bào từ tâm dịch trở về an toàn

Ông Sáu cho rằng, với vai trò lãnh đạo, ông không thể mạo hiểm yêu cầu nhân viên của mình dấn thân vào những công việc nguy hiểm mà không có biện pháp phòng hộ, bảo vệ. Do đó, lãnh đạo phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp an toàn nhất, động viên và đưa ra chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng để anh em yên tâm. Khi mà đội ngũ cán bộ, nhân viên đã vững vàng về tâm lý, thì mọi thao tác sẽ chuẩn chỉ.

Còn theo một lãnh đạo khác của Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, quy trình phục vụ đón chuyến bay từ Vũ Hán được đặt ra đảm bảo an toàn tối ưu, hạn chế rủi ro cho từng bộ phận tham gia trực tiếp nhưng khi thực hiện cũng đã phải đối mặt với một số khó khăn.

Đơn cử, theo qui trình, máy bay Việt Nam Airlines sẽ đậu ở sân bay 24 tiếng. Do đó, để đảm bảo an toàn, sau khi máy bay được khử trùng, ba tiếng sau nhân viên sân bay mới tiến hành làm vệ sinh tàu bay. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ không phải đều sẵn có, ví dụ như thuốc khử trùng tàu bay. Thời điểm đó bên Kiểm dịch y tế quốc tế cũng không có sẵn, vì đây là thuốc nhập khẩu đặc chủng dành riêng cho máy bay. Cuối cùng, phía sân bay đã cùng với Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh tìm mọi cách để có đủ cơ số thuốc này.

Chia sẻ về kinh nghiệm sau “chiến dịch giải cứu” này, ông Phạm Ngọc Sáu cho rằng, trước tiên phải có cách thức tối ưu để bảo đảm an toàn tối đa cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng như hành khách đón về từ vùng dịch. Tiếp đó, cần xây dựng phương án cụ thể chi tiết từng bước một, đưa ra phương án xử lý đối với nhiều tình huống, kịch bản khác nhau để đảm bảo không sai sót và lúng túng. Và hơn cả là cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bên.

An Nhiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm