1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí thư thành ủy TPHCM:

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng

Q.Huy Tâm Linh

(Dân trí) - "Giảm số vụ tai nạn giao thông cũng đồng nghĩa với sự giảm đau thương, mất mát. Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang lại những ý nghĩa lớn cho cộng đồng", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá cao tính nhân văn và thiết thực của chương trình.

"Giảm số vụ tai nạn giao thông cũng đồng nghĩa với sự giảm đau thương, mất mát. Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang lại những ý nghĩa lớn cho cộng đồng, như đúng tinh thần mà Báo Dân trí đã và đang thực hiện thời gian qua tại TPHCM và cả nước", Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố đặt kỳ vọng, các sáng kiến thu được thông qua chương trình sẽ đi vào thực tiễn, góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông của cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. 

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 1

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dự và phát biểu tại lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

Tiếp nối thành công  phát động Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023 ở Hà Nội, chương trình này tiếp tục diễn ra tại TPHCM.

Dự sự kiện chiều 14/4 có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an; Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo Dân trí cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công an, Ban An toàn Giao thông Quốc gia, Sở GTVT TPHCM và Ban An toàn Giao thông TPHCM…

Hàng trăm sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở TPHCM cũng quan tâm đến chương trình. Họ ngồi kín hội trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chia sẻ, là điều không ai mong muốn, tai nạn giao thông vẫn đang tiếp diễn, cướp đi cuộc sống nhiều người, đẩy nhiều gia đình vào bi kịch chua xót. Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của xã hội, gia đình nạn nhân chính là người đầu tiên gánh chịu thiệt hại.

"Ngoài cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, tai nạn giao thông còn kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề, khiến nhiều gia đình mất đi trụ cột, lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc, vợ mất chồng, con trẻ bỗng chốc mồ côi… Chỉ những người trong cuộc mới thấm thía đến tận tim gan khi mà tai nạn giao thông đã bào mòn niềm vui, hạnh phúc của gia đình họ", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tin tưởng, ngoài việc huy động sức mạnh, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân nhằm tìm giải pháp cho thực trạng giao thông, chương trình sẽ là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông với người dân. Do đó, ông Nguyễn Văn Hồi mong muốn, từng đại biểu, tổ chức chính trị - xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tham gia đóng góp để chương trình thành công, góp phần xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra.

5 nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông

Trước khi lễ phát động diễn ra, tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) chia sẻ, vấn đề ùn tắc giao thông là thực trạng hiện hữu hàng ngày. Câu chuyện này được nhắc tới từ các hình ảnh trên truyền hình cho đến thực tế khi mọi người tham gia giao thông.

Để làm rõ bức tranh tổng thể về ùn tắc giao thông, Thiếu tướng Lê Xuân Đức phân tích 5 khía cạnh, vấn đề là nguyên nhân trực tiếp của thực trạng này.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 2

Phiên tọa đàm tại Chương trình phát động Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

Vấn đề đầu tiên, dễ nhìn thấy nhất là về hạ tầng. Phó Cục trưởng Cục CSGT dẫn chứng, theo thống kê, tỷ lệ đất dành cho giao thông của nước ta mới đạt 10% - 13%, thấp hơn nhiều so với định hướng, kế hoạch phát triển giao thông đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 (20% - 25%).

Vấn đề tiếp theo là công tác tổ chức giao thông của các cơ quan quản lý Nhà nước. Dù đã tìm nhiều cách thức, giải pháp, phương án, đến nay, đây vẫn là bài toán chưa có lời giải.

"Ở Hà Nội, chúng tôi dành nhiều thời gian phân luồng, tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Kim Mã, Trần Khát Chân… Dù chưa thực hiện sơ kết, tổng kết nhưng điểm dễ thấy là các phương án này chưa mang lại nhiều hiệu quả", Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 3

Ông Dương Anh Tuấn, người nhận giải nhất hạng mục Ý tưởng An toàn giao thông trong Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 (Ảnh: Nam Anh).

Một thực tế nữa được vị khách mời đưa ra là khi các cơ quan tìm phương án giải quyết vấn đề ùn tắc tại ngã 3, ngã 4 thì các khu vực còn lại của tuyến đường lại gặp cảnh ùn tắc. Nguyên nhân là bởi ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TPHCM cũng chịu sức ép từ sự gia tăng phương tiện giao thông, gia tăng dân số. Đặc biệt, sau khi khống chế được dịch Covid-19, người dân tại các địa phương đã đổ dồn về 2 thành phố lớn này.

Ông Lê Xuân Đức cũng đề cập tới vấn đề ý thức của người tham gia giao thông. Theo ông, thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã nhận thức rõ và lan tỏa những hình ảnh đẹp này.

"Một cháu bé biết cúi đầu cảm ơn tài xế khi được nhường đường, hay chiếc xe container dừng lại khi thấy các em học sinh qua đường. Có lẽ giờ chúng ta mới thấy, văn hóa nhường đường quý báu ra sao", Phó Cục trưởng Cục CSGT nhìn nhận.

Sau khi nghe chia sẻ về thực trạng giao thông ở Việt Nam, Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - đã nêu những trăn trở của bản thân dưới góc nhìn của người làm công tác giảng dạy và người dân sống ở TPHCM.

Bà Trâm Quyên nhìn nhận ùn tắc giao thông là sự phát sinh tự nhiên khi kinh tế, xã hội phát triển và sự gia tăng dân số. Việc này gây ra 4 hệ lụy: Mất mát chi phí của thành phố, làm lãng phí thời gian, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tài sản cá nhân của người dân. Từ đó, bà Trâm cho rằng cần nhìn vào những vấn đề căn cơ trên để tìm giải pháp.

Đại diện trường ĐH mong muốn sẽ có sự phối hợp giữa nhà trường và cơ quan chức năng trong việc giáo dục, nâng cao ý thức tham gia giao thông.

"Nhà trường chính là nơi làm công tác đào tạo, có nhiều điều kiện để mang lại những kiến thức về an toàn giao thông", bà Trâm nhận định.

Góc nhìn của sinh viên ra sao về an toàn giao thông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, việc lễ phát động Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 được tổ chức tại khuôn viên tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mang nhiều ý nghĩa. Bởi, hội trường này có sự góp mặt của rất nhiều sinh viên, những người tham gia giao thông thường xuyên nhất.

"Chúng tôi rất muốn giao lưu với các bạn sinh viên, muốn nghe các bạn chia sẻ, góp ý để đóng góp cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông", Thiếu tướng Lê Xuân Đức gợi mở.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 4

Nhật Anh - sinh viên năm 3, khoa Y, Đại học Quốc tế Hồng Bằng - góp ý tại sự kiện (Ảnh: Nam Anh).

Bày tỏ ý kiến tại hội nghị, Nhật Anh (sinh viên năm 3, khoa Y, Đại học Quốc tế Hồng Bàng) góp ý, TPHCM là một trong những địa phương phát triển, mật độ dân cư ngày càng đông, phương tiện cá nhân ngày càng nhiều. Mỗi gia đình có trung bình 2 đến 5 chiếc xe gắn máy khiến việc sử dụng phương tiện công cộng ngày càng bị hạn chế.

"Để giải quyết các vấn đề về giao thông, giải pháp cần ưu tiên là hướng các bạn học sinh, sinh viên, người dân tham gia nhiều hơn các phương tiện công cộng, xe buýt, metro trong tương lai", Nhật Anh nêu ý tưởng.

Triệu Ngọc Nhi (sinh viên năm 3, ngành Truyền thông đa phương tiện) cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông có nguyên nhân chính đến từ ý thức người điều khiển phương tiện. Nữ sinh viên hy vọng, tất cả người tham gia giao thông đều phải có giấy phép lái xe, và đã trải qua các khóa học, đào tạo kiến thức về giao thông.

"Em thấy có tình trạng mua bằng, thi hộ, học hộ. Em cũng từng đi thi để lấy bằng, phải học nhiều kiến thức từ lý thuyết đến thực hành, phải bỏ rất nhiều công sức. Tuy nhiên đổi lại, người tham gia giao thông sẽ có nhiều sự an toàn hơn", Ngọc Nhi nêu suy nghĩ.

Là đại sứ của chương trình, Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Hoa hậu Liên lục địa 2022, chia sẻ, từ khi còn đi học, cô luôn mong đợi tới ngày các tuyến metro tại TPHCM sẽ hình thành và vận hành chính thức. Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc cho rằng, với những tuyến metro này cùng các phương tiện công cộng khác, vấn đề ùn tắc, kẹt xe tại TPHCM sẽ tìm ra cách giải quyết.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 5

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí, tặng hoa cho các đại biểu tham dự phiên tọa đàm (Ảnh: Hải Long).

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, nhìn nhận, mục tiêu của chương trình Sáng kiến an toàn giao thông hướng tới mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính khả thi cao, góp phần đưa giao thông Việt Nam văn minh, an toàn, hiện đại hơn. Một điểm đặc biệt của chương trình những sáng kiến từ người dân sẽ quay lại phục vụ chính người dân.

Trong chương trình Sáng kiến An toàn giao thông năm 2023, người tham dự sẽ có thể đăng ký một trong hai Hạng mục đó là Hạng mục "Sáng kiến An toàn giao thông" và Hạng mục "Sáng kiến công nghệ về An toàn giao thông" để nhằm đưa ra giải pháp giải quyết 3 chủ đề chính của giao thông Việt Nam: Giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông; Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Giải pháp về thiết lập kỷ cương pháp luật trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông mang ý nghĩa lớn cho cộng đồng - 6

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Biên tập báo Dân trí cùng các khách mời bấm nút phát động Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

"Cục CSGT tin tưởng, sau lễ phát động này, chương trình Sáng kiến An toàn giao thông năm 2023 sẽ tiếp tục thành công tốt đẹp, tìm kiếm nhiều giải pháp đột phá nhằm kéo giảm số vụ, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông. Chương trình sẽ giúp đem lại sự bình yên trên mỗi tuyến đường, sự an toàn, hạnh phúc của người dân", Thiếu tướng Lê Xuân Đức bày tỏ.