Chúng tôi thời hậu chiến: Chúng tôi sẽ lại chiến thắng!
(Dân trí) - Theo lời kể của tác giả, tôi cứ bị cuốn theo bao câu chuyện đời thường mà thấm thía về cái cách người lính sống trong thời bình, cách họ chiến đấu với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn...
Mỗi người một vòng quay số phận lúc chan chứa nước mắt, khi rộn rã tiếng cười nhưng nhất quyết không chịu gục ngã.
"Mẹ ơi, con đã về!
Không phải ai cũng được nói câu đó với mẹ sau ngày kết thúc chiến tranh. Rất nhiều người đã phải nằm lại ở một nơi nào đó trong chiến trường. Còn chúng tôi, những người lính được trở về với mẹ là những người may mắn nhờ hồng phúc gia đình và nhờ có đồng đội đã hi sinh nhường chỗ cho để trở về".
Đây là những lời gan ruột của chính tác giả Vũ Công Chiến - một cựu chiến binh sinh ra cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, lớn lên rồi cầm súng trong những năm đánh Mỹ. Anh và nhiều đồng đội đã may mắn trở về sau khi hoàn tất sứ mệnh của người trai thời loạn. Số phận của con người sau chiến tranh thật muôn hình muôn vẻ, hỉ nộ ái ố đủ cung bậc được tác giả khắc họa tràn đầy cảm xúc qua cuốn sách "Chúng tôi thời hậu chiến".
Mở đầu là niềm vui vỡ òa của những người lính Cụ Hồ khi nghe tin địch đầu hàng, quân ta chiến thắng ngay trên đường hành quân, ngỡ ngàng không tin nổi "chiến tranh đã kết thúc rồi sao" khi mới vài phút trước thôi họ vẫn trong tư thế sẵn sàng hi sinh.
Tiếp đến là câu chuyện "tiếu lâm" cười ra nước mắt khi đơn vị (Trung đoàn 9 - Sư đoàn 968) được giao nhiệm vụ tiễu trừ Fulro, quá trình âm thầm săn lùng những món đồ quý như khung xe đạp hay đài bán dẫn 3 băng của Nhật làm quà cho gia đình trong đợt nghỉ phép. Ly kỳ hơn là chuyện đơn vị cấp giấy giới thiệu về địa phương… lấy vợ, hóa ra kiểu lấy vợ chớp nhoáng như tập kích gói gọn trong một tháng phép lại có vẻ phù hợp với cánh lính nông thôn.
Giọng văn giản dị, chân thực, cách dẫn chuyện nhẹ nhàng của tác giả khiến độc giả tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc với mỗi nhân vật:
"Tổ quốc không còn cần đến sự hi sinh của chúng ta nữa. Tớ sẽ về quê và sẽ cống hiến nốt phần đời còn lại cho vợ con".
"Chúng tôi sẽ về lại nơi mình đã từng sống, nơi mà từ đó mình bắt đầu bước chân đi để trở thành người lính. Trở về để lại làm những người dân thường sau những năm khoác áo lính. Trở về để làm tiếp mọi dự định, mọi công việc năm xưa phải bỏ dở…"
Hóa ra con đường về nhà của người lính thời hậu chiến cũng khúc khủyu lắm ổ gà, ổ trâu khiến họ phải bước thấp bước cao vượt qua. Có quá nhiều việc để bắt đầu gây dựng cuộc sống mới, để hòa nhập với gia đình và xã hội, để phụng dưỡng cha mẹ hay thăm hỏi bạn bè. Cuộc sống của các anh sắp tới không chỉ là của riêng mình mà phải sống thêm cả phần người khác - đó hình như là món nợ sinh tử mà mỗi người lính khi bước ra khỏi cuộc chiến phải mang theo bên mình.
Không còn bom rơi pháo nổ, không còn những đêm dài hành quân mà chả biết mình có được đón thêm một buổi bình minh… và khi không khí hân hoan của ngày 30/4/1975 đã lắng xuống, hậu phương đón các anh đã khắt khe hơn nhiều. Nhưng vượt trên tất cả, với tinh thần bộ đội Cụ Hồ, các anh phải tìm cách hòa nhịp thật nhanh với cuộc sống đời thường. Không còn "ăn mày dĩ vãng", ngủ quên trên chiến thắng để sống thực tế hơn. Thực tế chứ không phải thực dụng, vì thực dụng có chứa cả những cái vẻ bần tiện, nhỏ nhen và thủ đoạn.
Theo lời kể của tác giả, tôi cứ bị cuốn theo bao câu chuyện đời thường mà thấm thía về cái cách người lính sống trong thời bình, cách họ chiến đấu với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn: học làm công nhân, miệt mài xin việc, bị phá sản, âm thầm nhận khoản trợ cấp "một cục", quay cuồng với nạn lạm phát… "Bọn lính" E9 với Dũng "đài", Thịnh "tồ", Kim "con", Thái "pi tơ"… mỗi người một vòng quay số phận lúc chan chứa nước mắt, khi rộn rã tiếng cười nhưng nhất quyết không chịu gục ngã.
Tôi cũng bị ấn tượng bởi những con chữ lấp lánh niềm vui và tự hào khi tác giả Vũ Công Chiến kể về những người bạn thành đạt, hai tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Vinh và Hồ Tú Bảo - những người lính đã giấu thương tật của mình, chấp nhận không xếp loại thương binh để xin thi vào các trường đại học. "Họ xác định rằng cuộc đời từ khi cởi áo lính mới là lúc bắt đầu, chứ không phải sự kế tiếp của những gian lao cống hiến trong lính, để an phận hưởng chính sách đãi ngộ của nhà nước".
Không kém phần thú vị khi tác giả kể lại câu chuyện tình yêu ngọt ngào của bản thân mình với cô em gái của một người đồng đội. Tự tin và dí dỏm khi anh khoe rằng: "Cũng giống như trước một trận đánh căn cứ, có trinh sát và nắm đủ thông tin để biết có thể thắng mới dám đem quân đi đánh, tôi biết Lan có tình cảm với tôi, nên mới quyết định tỏ tình".
Cứ thế cứ thế, qua dòng hồi ức của Vũ Công Chiến, cuộc sống thời hậu chiến của tác giả và đồng đội được vẽ ra bằng đủ gam màu rực rỡ, trầm buồn, nét đậm cá tính, nét thanh bay bổng... Và nếu như thời gian có quay trở lại, các anh vẫn sẵn sàng cầm súng chiến đấu để bảo vệ những điều nhỏ bé, giản dị của đất nước với niềm tin bất diệt:
… "CHÚNG TÔI SẼ LẠI CHIẾN THẮNG"!
Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.
Alpha Books | Công ty Cổ phần Sách Alpha
Knowledge is power - Tri thức là sức mạnh
Được biết đến là một trong những thương hiệu sách đi đầu về dòng sách quản trị kinh doanh/ phát triển kỹ năng trong ngành xuất bản với các cuốn sách hướng dẫn khởi nghiệp, các bài học, phương pháp và kinh nghiệm quản trị của các chuyên gia, các hãng và tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Nổi bật với các cuốn sách: HBR Onpoint, Quốc gia khởi nghiệp, Trí tuệ Do Thái, Phi lý trí, Tư duy nhanh và chậm, Tiểu sử Steve Jobs, Thiên nga đen, Chiến lược đại dương xanh, Phù thủy sàn chứng khoán,..
Sau 16 năm hình thành và phát triển, Alpha Books đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình, đặc biệt đối với các thế hệ doanh nhân, nhà quản lý và những người trẻ luôn khát khao xây dựng sự nghiệp thành công.