"Chúng tôi sẽ tiếp tục lắp phao cứu sinh tại nhiều cây cầu dọc sông Hồng"
(Dân trí) - Anh Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, việc anh cùng nhóm lắp đặt những chiếc phao cứu sinh trên cầu mục đích là để vì cộng đồng, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục lắp phao tại nhiều cây cầu khác nữa.
Trưa 14/5, nhóm tình nguyện của câu lạc bộ bơi đã lắp đặt hơn 30 chiếc phao tại các cầu: Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Mỗi cây cầu được lắp từ 5-6 phao.
Tuy nhiên, sau gần một tuần lắp đặt phao cứu sinh trên cầu Nhật Tân và cầu Chương Dương thì đến chiều 19/5, nhiều chiếc phao đã "không cánh mà bay".
Khi nhiều người đang nghi ngờ những chiếc phao bị "đạo chích" lấy cắp thì đại diện Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội lên tiếng xác nhận đơn vị đã tạm thu lại những chiếc phao cứu sinh bởi nhóm tình nguyện chưa làm việc và chưa có sự thống nhất với đơn vị quản lý cầu.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Nguyễn Ngọc Khánh - trưởng nhóm tình nguyện lắp đặt phao cứu sinh - cho biết, trước khi bắt đầu công việc lắp phao này, nhóm xác định đây là một công việc vì cộng đồng, nhóm tình nguyện muốn giúp đỡ những người không may bị đuối nước và những người mất niềm tin vào cuộc sống, có ý định tự tử.
"Ngay khi bắt đầu có ý định lắp phao cứu sinh trên các cây cầu ở Hà Nội, tôi cũng đã tham khảo và hỏi mọi người về đơn vị quản lý cầu để phối hợp và xin ý kiến lắp đặt. Tuy nhiên, do không tìm được đơn vị quản lý cầu nên chúng tôi đã trao đổi trong nhóm và thống nhất tiến hành lắp đặt phao. Trong tối 19/5, phía đơn vị quản lý cầu cũng đã liên hệ với tôi, họ hẹn sang đầu tuần sẽ làm việc với nhóm về việc lắp đặt phao này", anh Khánh chia sẻ.
Anh Khánh kể, trước đó, từ ngày 6 đến ngày 8/5, nhóm tình nguyện đã treo phao cứu sinh và tổ chức các chương trình dạy bơi, kỹ năng làm quen sông nước, cứu hộ cứu nạn tại 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, việc này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng.
"Khi chúng tôi mang phao đến treo trên những cây cầu và tổ chức những lớp dạy bơi thì người dân rất ngạc nhiên, họ nói rằng từ trước đến nay rất nhiều người tìm đến cái chết bằng cách nhảy cầu. Con người khi bị áp lực cuộc sống, đến bước đường cùng và không có ai để chia sẻ thì họ thường tìm đến cái chết và lãng phí cả cuộc đời dài phía trước", anh Khánh nói lý do nhóm quyết định treo phao trên những cây cầu và cho rằng trong nhiều trường hợp những chiếc phao cứu sinh sẽ là phương án cứu cánh cuối cùng để những người lầm lỡ có thể bấu víu, quay về với cuộc sống.
Chia sẻ về kinh phí phải bỏ ra để mua số phao cứu sinh lắp trên các cây cầu, anh Khánh cho hay: "Trước đây kinh phí là do các thành viên nhóm tự bỏ ra, nhưng sau này chúng tôi được một đơn vị ủng hộ, người này cũng là một thành viên trong nhóm của tôi".
Anh Khánh chia sẻ rằng, việc lắp phao cứu sinh tại các cây cầu ở Hà Nội vừa qua được rất nhiều người dân ủng hộ. Nhiều người đánh giá việc làm của nhóm tình nguyện rất ý nghĩa, có thể giúp đỡ nhiều trường hợp không may bị đuối nước hoặc có ý định tự tử trên các cây cầu lớn.
Theo anh Khánh, trong đầu tuần tới, bên huyện Đông Anh có mời nhóm của anh đến để hướng dẫn và giúp đỡ các em học sinh của 5 trường từ cấp 1 đến cấp 2 về việc học bơi và ứng cứu khi xảy ra đuối nước. Nhân tiện chuyến đi này, nhóm tình nguyện sẽ mang theo phao cứu sinh để lắp đặt bù lại số phao đã bị đơn vị quản lý cầu thu trước đó, ngoài ra anh Khánh cũng sẽ tiếp tục lắp đặt thêm phao cứu sinh tại một số cây cầu khác như cầu Đông Trù ở sông Đuống.
Nói về dự án lắp đặt phao cứu sinh dọc các cây cầu trên sông Hồng từ Lào Cai đến Thái Bình, anh Khánh cho biết, hiện nhóm đã lắp được khoảng 100 chiếc phao, dự kiến đến cuối tháng 7/2022 sẽ lắp đặt xong toàn bộ.
Liên quan đến việc lắp đặt những chiếc phao cứu sinh trên hàng loạt cây cầu ở Hà Nội, chiều 19/5, trao đổi với PV Dân trí, bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Công ty công trình giao thông Hà Nội - thông tin, đơn vị hoàn toàn ủng hộ hoạt động treo phao cứu sinh trên cầu với hi vọng giúp đỡ các nạn nhân đuối nước. Tuy nhiên, nhóm tình nguyện cần làm việc với ban quản lý hay chính quyền địa phương trước khi thực hiện.
"Sau khi thu những chiếc phao cứu sinh, chúng tôi đã mời trưởng nhóm tình nguyện lên làm việc, tuy nhiên người này bận công tác nên lại hẹn vào đầu tuần tới", bà Thủy nói thêm.
Theo bà Thủy, hiện đơn vị sẽ thống nhất báo cáo với Sở Giao thông vận tải Hà Nội về việc cho lắp đặt những chiếc phao cứu sinh trên các cây cầu, bởi đây là một việc làm hữu ích.