"Chúng tôi muốn làm từ thiện nhưng rất ưu tư vấn đề sao kê"

Quang Huy

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhiều người dân đã phản ánh những vấn đề bất cập trong công tác từ thiện và mong muốn Quốc hội sớm có quy định cụ thể về các hoạt động này.

Chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đơn vị 10, đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn (TPHCM) trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi làm việc, cử tri huyện Hóc Môn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề được dư luận nhắc tới nhiều thời gian qua như hoạt động từ thiện, công tác phòng, chống dịch của TPHCM.

Bên cạnh đó, việc "sớm đưa huyện Hóc Môn thành một đô thị sôi động phía Tây TPHCM, đảm bảo công tác an sinh xã hội, từng bước khắc phục những bất cập trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua" là vấn đề chính được Chủ tịch nước gửi gắm tới Huyện ủy, UBND huyện Hóc Môn tại buổi làm việc.

Nhiều lỗ hổng trong vấn đề từ thiện

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thượng tọa Thích Minh Thanh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hóc Môn, bày tỏ: Thời gian qua, vấn đề hoạt động từ thiện được nhiều người quan tâm, khi dịch bệnh diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, cũng bởi tác động của dịch bệnh. các hội, đoàn thể gần như không thể hoạt động, không thực hiện được trách nhiệm của mình.

"Ví dụ, chúng tôi tham gia các hội chăm sóc trẻ tàn tật, trẻ mồ côi, chúng tôi biết có trách nhiệm chăm lo cho các cháu, nhưng không biết lo ra sao trong quãng thời gian dịch bệnh phức tạp" - Thượng tọa Thích Minh Thanh nêu thực trạng.

Chúng tôi muốn làm từ thiện nhưng rất ưu tư vấn đề sao kê - 1

Thượng tọa Thích Minh Thanh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hóc Môn (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Thanh, quãng thời gian qua, hầu hết hoạt động từ thiện đều mang tính tự phát. Thế nhưng, sự tự phát có "điểm yếu" là bất cập, bởi khi thấy các hoàn cảnh khó khăn, người muốn giúp đỡ cũng không biết giúp đỡ thế nào cho đúng.

"Hiện giờ, người ta nói nhiều đến sao kê. Chúng tôi khi làm từ thiện rất ưu tư, không biết mình có làm đúng không, mình làm thì có sao không?" - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hóc Môn tâm tư.

Thượng tọa Thích Minh Thanh kiến nghị, Chính phủ cần có những quy định, điều luật cụ thể đối với hoạt động từ thiện. Để việc công tác từ thiện phát huy được hiệu quả, những quy định rõ ràng về lộ trình, cách thức thực hiện... cần có quy chuẩn cụ thể trong thời gian tới.

Cùng đóng góp ý kiến về hoạt động từ thiện, ông Nguyễn Văn Dũng, cử tri thị trấn Hóc Môn, cho biết, trong đợt lũ lụt miền Trung năm 2020, rất nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra vận động ủng hộ cho nhiều quỹ từ thiện. 

Chúng tôi muốn làm từ thiện nhưng rất ưu tư vấn đề sao kê - 2

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn của đơn vị số 10, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ông Nguyễn Văn Dũng dẫn chứng, theo Nghị định 148 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, người thành lập quỹ cần có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, trụ sở, tài khoản, biểu tượng. Nghị định 148 cũng quy định, để thành lập, quỹ cần có điều lệ, đề án, quy chế hoạt động.

"Thời gian qua, các cá nhân vận động từ thiện, trực tiếp nhận tiền vào tài khoản hàng trăm tỷ, trực tiếp đi phát từng xấp tiền 500.000 đồng. Đây là lỗ hổng của pháp luật", vị cử tri gay gắt.

Hiện tại, Bộ Công an đã chỉ đạo các tỉnh, thành xác minh, làm rõ các hoạt động từ thiện trên. Tuy nhiên, cử tri này băn khoăn về mức độ khả thi của việc xử phạt.

"Tôi đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh lại các nghị định liên quan đến vấn đề từ thiện. Bên cạnh đó, Quốc hội cần sớm ban hành luật lập quỹ từ thiện", ông Nguyễn Văn Dũng góp ý.

Cần điều chỉnh Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Cử tri Đỗ Trung Tính, thị trấn huyện Hóc Môn, đưa ra ý kiến, đã đến lúc Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cần sửa đổi, bổ sung. Ông Đỗ Trung Tính cho rằng, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được ban hành từ năm 2007, dù đã được bổ sung, sửa đổi gần đây nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay, nhiều văn bản dưới luật, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch đã và đang được điều chỉnh. 

"Để phù hợp với thực tiễn, đã đến lúc chúng ta cần đúc kết lại để xem xét, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn. Từ cơ sở đó, những quy định pháp luật sẽ đi vào cuộc sống, góp phần giúp người dân từng bước trở về trạng thái bình thường mới", cử tri Đỗ Trung Tính chia sẻ.

Chúng tôi muốn làm từ thiện nhưng rất ưu tư vấn đề sao kê - 3

Cử tri huyện Hóc Môn góp ý cho công tác phòng, chống dịch của TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Vị cử tri này nhìn nhận, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, TPHCM và cả nước đã từng bước đạt được kết quả khả quan trong một trận chiến chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong suốt quá trình, công tác phòng, chống dịch còn có nơi, có lúc lúng túng, bất nhất.

"Công tác phối hợp, dập dịch giữa các địa phương còn chưa kịp thời, sự chỉ đạo - lĩnh hội giữa cấp trên - cấp dưới, giữa bên trong - bên ngoài còn chưa đồng bộ. Trong thực tế, TPHCM cũng chịu tổn thất lớn với số lượng, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở mức cao", cử tri thị trấn Hóc Môn phân tích.

Bà Trần Hoài Phương Uyên, cử tri thị trấn Hóc Môn, phản ánh, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến nhiều em nhỏ mất cha, mất mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ lâu dài, nhưng việc để các em được sống và học tập đầy đủ sẽ khó đảm bảo.

Cử tri Phương Uyên đề xuất các đại biểu xem xét các chính sách hỗ trợ, chăm lo lâu dài các em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19. Vị cử tri cho rằng, việc hỗ trợ các em nhỏ và người chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên do một cơ quan phụ trách, chủ trì để tránh trùng lặp, bỏ sót. 

Hóc Môn cần trở thành đô thị sôi động phía tây TPHCM

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tính đến nay, thành phố đã có gần 16.000 người tử vong do dịch Covid-19. Nhiều trẻ em mất cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều nhà máy đóng cửa, hàng vạn người dân rời thành phố về quê hương.

"Chúng ta thấy hàng ngàn người, mang theo trẻ nhỏ rời thành phố bằng xe máy. Chúng tôi, trên cương vị là đại biểu Quốc hội, cũng cảm thấy có trách nhiệm đối với những vấn đề này", Chủ tịch nước nêu.

Chúng tôi muốn làm từ thiện nhưng rất ưu tư vấn đề sao kê - 4

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cử tri cao tuổi tại huyện Hóc Môn (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Chia sẻ với cử tri huyện Hóc Môn, người đứng đầu Nhà nước cho rằng, thời gian qua, chính quyền huyện đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo, đảm bảo vấn đề an sinh, xã hội trên địa bàn. Những quyết tâm trong việc phấn đấu lên danh sách gần 500.000 người dân để triển khai gói hỗ trợ thứ 3 là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định trên.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc thành phố đi qua đỉnh dịch, số ca tử vong, ca mắc Covid-19 giảm rõ rệt là kết quả của quá trình cố gắng ấy. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, huyện cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là.

"Hóc môn là cửa ngõ ra vào thành phố, cửa ngõ giao thương của vùng. Từ vị trí đặc biệt ấy, huyện cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh nếu chủ quan", Chủ tịch nước phân tích.

Sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị huyện Hóc Môn quan tâm hơn đến vấn đề an sinh xã hội, không để người dân đứt bữa, thiếu cơm, lạt muối, thiếu lương thực, thực phẩm cần thiết.

Trong vấn đề khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước nhấn mạnh, níu chân người lao động là nhiệm vụ hàng đầu của huyện Hóc Môn giai đoạn này. Với số lượng người nhập cư lớn, Hóc Môn có nguồn lực đủ mạnh để phát triển nếu có thể thuyết phục bà con an tâm ở lại cùng phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh.

"Đỉnh dịch đã đi qua, chúng ta sẽ lần lượt giải quyết các vấn đề bất cập của dịch Covid-19. Trước mắt, huyện Hóc Môn không được bỏ lỡ cơ hội phát triển và đưa huyện thành một đô thị sôi động nằm ở phía tây TPHCM trong thời gian tới.