Chủ tịch nước: Nhiều vấn đề đặt ra cho TPHCM khi trở về bình thường mới
(Dân trí) - Chủ tịch nước nhận định, những vấn đề về xã hội, lao động, chăm sóc cho người dân... đặt ra những yêu cầu lớn cho Đảng bộ, chính quyền TPHCM khi trở về trạng thái bình thường mới.
Sáng 9/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến tiếp xúc các cử tri đại diện ngành y tế TPHCM về những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ điểm cầu Phủ Chủ tịch (Hà Nội). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu TPHCM là ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố.
Tại buổi làm việc, các cử tri ngành y tế nêu các vấn đề trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp ý về việc phát triển y tế cộng đồng và các chính sách đối với đội ngũ y, bác sĩ.
Yêu cầu mới cho TPHCM
Tại hội nghị, Chủ tịch nước cho biết, TPHCM là địa bàn lớn nhất cả nước, đã bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản và cuộc sống người dân. Trong suốt thời gian qua, các "chiến sĩ áo trắng" luôn là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch.
"Họ là những anh hùng thầm lặng, dũng cảm, hy sinh cống hiến cùng Đảng bộ và chính quyền thành phố tham gia chăm sóc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, tôi chia sẻ với đồng bào, cử tri Nhân dân trước những đau thương, mất mát quá lớn trong đợt dịch vừa qua", Chủ tịch nước bày tỏ.
Người đứng đầu Nhà nước dẫn chứng, trong đợt bùng phát dịch lần này, TPHCM đã có hơn 15.000 người thiệt mạng do Covid-19. Đây là những tổn thất, đau thương, mất mát quá lớn do đại dịch gây ra.
Đối với lực lượng y tế, Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông, biểu dương sâu sắc những vất vả, khó khăn của các cán bộ, y, bác sĩ ngành y đã và đang ngày đêm hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là tuyến đầu chống dịch. Đảng bộ và chính quyền, nhân dân thành phố cũng vượt qua khó khăn, gian khổ để mang lại cuộc sống "gần bình yên" tại thời điểm này.
"Đỉnh dịch đã qua đi, nhưng chúng ta chưa thể chủ quan khi số ca mắc mới, số ca Covid-19 vẫn còn lớn. Qua các thông tin, số liệu, tôi biết, TPHCM cùng ngành y đã phải tiến hành khối lượng công việc khổng lồ và những nhiệm vụ rất khó khăn", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, cả nước ghi nhận và xúc động trước những tấm lòng quả cảm, tận tụy, hy sinh quên mình của các chiến sĩ công an, quân đội, các chiến sĩ áo trắng. Trong những con người đó, nhiều cán bộ y tế đã hy sinh quên mình, xả thân vì nhiệm vụ.
Trong bối cảnh toàn địa bàn từng bước đi đến trạng thái "bình thường mới", Chủ tịch nước nhìn nhận, những khó khăn, thách thức đối với TPHCM vẫn còn rất lớn ở phía sau. Những vấn đề về xã hội, lao động, chăm sóc người dân sau dịch bệnh đặt ra những yêu cầu lớn cho Thành ủy, UBND TPHCM, ngành lao động và ngành y tế.
"Dịch bệnh và các vấn đề khác của xã hội là vấn đề cấp bách được đặt ra đối với các cấp, các ngành TPHCM. Những vấn đề ấy yêu cầu phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cấp bách để đảm bảo cuộc sống người dân khi TPHCM trở về trạng thái bình thường mới", Chủ tịch nước quán triệt.
Những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch.
Tại điểm cầu TPHCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết, buổi tiếp xúc cử tri lần này có ý nghĩa quan trọng khi được Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Trung ương chủ trì, tham dự. Đặc biệt, buổi làm việc có sự tham gia của các cử tri ngành y là những vị giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế đến từ mọi miền đất nước đã có nhiều đóng góp tại tâm dịch là TPHCM.
"Những đóng góp của các cử tri sẽ góp phần quan trọng, tạo ra những thực tiễn để các đại biểu quyết nghị nhiều vấn đề trong kỳ họp Quốc hội sắp tới", Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận.
Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, trong suốt đợt bùng phát dịch vừa qua, TPHCM đã nhận được chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19. Tại thành phố, các cấp chính quyền, mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng, chung sức quyết tâm chống dịch.
Mọi nguồn lực của thành phố đều được huy động tối đa tham gia đợt chống dịch nhiều khó khăn, thử thách nhất từ trước đến nay, đặc biệt là công tác xét nghiệm và tổ chức tiêm vaccine Covid-19.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM nhận được sự chi viện kịp thời về nhân lực, trang, thiết bị y tế, nguồn vaccine của Trung ương. Từ những điều kiện đó, ngành y trên địa bàn đã kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế được nguồn lây nhiễm.
Ngoài ra, công tác quản lý, chăm sóc và điều trị F0 được tiến hành bài bản, kịp thời đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống điều trị tại các tầng, số ca mắc mới, số ca tử vong đều được kéo giảm.
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại TPHCM vẫn còn hiện hữu. Trước những diễn tiến của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ rõ những yếu điểm cần duy trì những hoạt động thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn thời gian tới.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đến Trung tâm Y tế quận, huyện, trạm y tế phường, xã còn nhiều yếu kém. Những yếu kém đó đến từ nhân lực, cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng và trang, thiết bị.