1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chúng ta mua tàu ngầm, tên lửa cũng là để tự vệ”

(Dân trí) - “Phấn đấu trong độ khoảng 5 - 6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636. Đây là loại tàu hiện đại, nhưng tôi xin nhắc lại, chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay… cũng là để phòng thủ, để tự vệ”

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã bày tỏ như vậy với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội.

Thưa Bộ trưởng, hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Có bên muốn giải quyết song phương, nhưng nhiều ý kiến khác đề nghị phải giải quyết theo cơ chế đa phương. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

Về vấn đề này, khi tiếp Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN tôi cũng nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam. Đó là những vấn đề gì còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương.

Ví dụ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng biển cửa vịnh Bắc Bộ đang còn tiến hành đàm phán để phân định thì chúng ta sẽ đàm phán, giải quyết song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc theo luật pháp quốc tế và công ước luật biển 1982.

Còn những vấn đề tranh chấp đa phương, ví dụ như tranh chấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì phải giải quyết giữa các bên có tranh chấp, bao gồm cả Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan của Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Brunei.

Thế rồi đường 9 khúc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đụng đến chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philipines, Brunei cũng phải giải quyết đa phương với các nước.

Sự đoàn kết, nhất trí của ASEAN có tác dụng như thế nào trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông trong tương lai, thưa ông?

Sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN là hết sức quan trọng bởi vì ASEAN chúng ta hiện nay có 10 nước và chúng ta đang hình thành những cấu trúc an ninh mới để giải quyết những vấn đề an ninh trên biển.
 
“Chúng ta mua tàu ngầm, tên lửa cũng là để tự vệ” - 1
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: "5 - 6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm" (Ảnh: Việt Hưng)

Ví dụ như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng cộng với 8 nước đối tác và đối thoại như các bạn biết là đã được tổ chức thành công năm 2010 tại Việt Nam, giải quyết nhiều nội dung trong đó có vấn đề về an ninh biển.

An ninh biển có nghĩa là phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định và không có các vụ việc dùng vũ lực, không có cướp biển và các vụ việc khác.

ASEAN phải giữ được vai trò trung tâm, vai trò động lực để  dẫn dắt trong quá trình hợp tác với các đối tác bên ngoài. Do đó ASEAN phải đoàn kết, phải có tiếng nói chung, tiếng nói thống nhất thì mới giữ được vai trò trung tâm, còn ASEAN bị chia rẽ thì chúng ta không làm được điều đó.

Vừa qua chúng ta đã nói nhiều đến Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhưng ngay cả khi có Bộ Quy tắc này, liệu có giải quyết được các vấn đề đặt ra?

Giữ được môi trường an ninh ở khu vực này là lợi ích chung của các nước cho nên tôi tin khả năng chúng ta sẽ tiến tới xây dựng được bộ quy tắc ứng xử để giải quyết vấn đề xung đột trên biển Đông, đó là COC.

Giữa các nước ASEAN chúng ta thống nhất với nhau và cùng với Trung Quốc xây dựng, sau đó là tổ chức thực hiện thật nghiêm chỉnh để giữ được an ninh trật tự trên vùng biển này.

Các cường quốc bên ngoài Asean trong đó có Hoa Kỳ cũng quan tâm tới an ninh hàng hải ở trên biển Đông. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

Biển Đông của chúng ta có một vị trí địa lý, địa chiến lược hết sức quan trọng và có tuyến đường hàng hải vào loại thứ nhì thế giới về mặt tần suất các tàu bè qua lại. Mỗi ngày có tới 150 tới 200 chuyến tàu cỡ lớn hoạt động ở đây.

Nhiều cường quốc có lợi ích về kinh tế cũng như chiến lược ở đây, do vậy họ hết sức quan tâm đến vấn đề này. Họ quan tâm nên họ có hợp tác với các nước.

Hiện nay quan điểm của các cường quốc này cũng khác nhau chứ họ cũng không hoàn toàn đứng về bên nào để bảo vệ chủ quyền của nước đó. Như Hoa Kỳ chẳng hạn, họ nói là đứng trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng họ có lợi ích về đảm bảo tự do hàng hải do đó họ thường có mặt ở đây.

Tuy nhiên, sự có mặt của Hoa Kỳ cũng tạo nên những ý kiến khác nhau. Cũng có ý kiến cho là có vai trò tích cực, cũng có ý kiến lo ngại là làm cho tình hình nóng thêm, phức tạp thêm.

Chúng tôi tin rằng, khu vực này có lợi ích của tất cả các nước, trong đó có cả các nước lớn, có các nước tuyên bố chủ quyền và có các nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng đều phải có một cái chung, đó là giữ được hòa bình, ổn định vì đó là lợi ích, mong muốn chung của tất cả các nước ở trong khu vực.

Bộ trưởng có ý kiến gì về việc, nhiều nước trong khu vực biển Đông vừa qua đã có những động thái tăng cường lực lượng hải quân?

Việc này cũng nằm trong cái chung của thế giới thôi. Khi mà các quốc gia phát triển về kinh tế thì người ta cũng hiện đại hóa quân đội. Tôi không cho đây là cuộc chạy đua vũ trang mà cho là quân đội các nước đều có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ, do đó họ đều phải tăng cường trang bị, đều phải hiện đại hóa quân đội. Điều này cũng là việc làm thường thấy ở các nước, trong đó có chúng ta.

Vậy xin Bộ trưởng cho biết sự trang bị của chúng ta vừa qua và sắp tới như thế nào?

Vấn đề này còn tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước bởi vì trang bị cho các quân chủng kỹ thuật như hải quân, phòng không, không quân và một số binh chủng kỹ thuật khác chúng ta phải đầu tư một lượng ngân sách khá lớn. Chúng ta chưa sản xuất được, hầu hết phải nhập ngoại mà nhập ngoại giá cả rất đắt và phụ thuộc vào thị trường của nước ngoài trong khi ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp.

Do đó, chúng ta cũng phải từng bước thôi chứ không thể có một lượng ngân sách lớn để sắm sửa đáp ứng được yêu cầu ngay.

Cách đây chưa lâu, Thủ tướng cho biết chúng ta mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Tiến trình chuyển giao các thiết bị, vũ khí đó đến thời điểm này đã được thực hiện như thế nào?

Đây là kế hoạch dài hạn, từ nay đến năm 2020, nhưng trước mắt phấn đấu trong khoảng 5 - 6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636. Đây là loại tàu hiện đại, nhưng tôi xin nhắc lại là chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, không có ý đồ đi xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh.

Chúng ta có khả năng đến đâu thì từng bước chúng ta sắm sửa đến đó nhưng với tinh thần là hết sức tối thiểu, với khả năng cho phép của nền tài chính đất nước, không làm gì vượt quá.

Đất nước ta còn nghèo và chúng ta có rất nhiều vấn đề phải lo, nhất là những vấn đề đảm bảo an sinh xã hội. Ổn định xã hội là rất quan trọng, bởi trong ấm thì ngoài êm.

Việc trang bị cho quân đội, Đảng và Nhà nước hết sức cân nhắc, hết sức thận trọng và cũng chỉ trong phạm vi tối thiểu.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường