1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chung cư hết hạn sử dụng 3 năm, 2.000 người vẫn chờ phương án di dời

Hoài Sơn

(Dân trí) - Đại biểu HĐND Đà Nẵng chất vấn về thực trạng hơn 2.000 dân sống ở chung cư hết hạn sử dụng 3 năm nay nhưng vẫn phải chờ phương án di dời của thành phố.

Chiều 13/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Lương Công Tuấn nêu thực trạng xuống cấp tại 3 khối nhà ở chung cư Thuận Phước (quận Hải Châu), chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu).

Chung cư hết hạn sử dụng 3 năm, 2.000 người vẫn chờ phương án di dời - 1

Chung cư Hòa Minh, quận Liên Chiểu đang xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo ông Tuấn, tại 2 chung cư này có khoảng 650 gia đình, với khoảng 2.000 người đang sống trong những căn hộ xuống cấp. "Sở xác định phương án nào để đầu tư xây dựng các khu chung cư thay thế, ổn định cuộc sống người dân?", ông Tuấn đặt câu hỏi.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong thừa nhận những chung cư này đã xuống cấp. Năm 2022, UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm định lại 3 khối nhà chung cư này và xác định công trình ở cấp độ C.

Theo quy định của Bộ xây dựng, nhà chung cư cấp C vẫn có thể sửa chữa, cho tồn tại. Tuy nhiên, các khối nhà chung cư này có nhiều bất cập nếu sửa chữa nên Sở đã đề xuất và thành phố thống nhất di dời 3 chung cư trên trong giai đoạn 2024-2025.

Chung cư hết hạn sử dụng 3 năm, 2.000 người vẫn chờ phương án di dời - 2

Cây cối mọc trên tường tại chung cư Hòa Minh (Ảnh: Hoài Sơn).

"Sở Xây dựng báo cáo đây là những chung cư được xếp hạng C, tức còn sử dụng được, nhưng thực chất người dân đang ở không được. Ở tầng 1 cũng không được, nước chảy vào nhà, chúng ta phải lo cho nỗi lo của người dân", đại biểu Lương Công Tuấn tiếp tục chất vấn.

Ông Tuấn cho biết thêm hàng năm, vào mùa mưa bão, người dân phải di dời vì chung cư có thể "sập bất cứ lúc nào".

Giám đốc Sở Xây dựng nêu 2 phương án đối với người dân ở các khu chung cư trên khi di dời.

Phương án một là người dân tiếp tục thuê nhà ở chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố (ở chung cư khác).

Phương án hai, người dân sẽ mua lại nhà ở xã hội của thành phố, nhiều dự án đang triển khai và đang mở bán.

Chung cư hết hạn sử dụng 3 năm, 2.000 người vẫn chờ phương án di dời - 3

Mỗi khối nhà tại chung cư Hòa Minh có một cầu thang lên xuống ở chính giữa tòa nhà (Ảnh: Hoài Sơn).

Đại biểu Lương Công Tuấn chưa yên tâm khi Sở Xây dựng đưa ra 2 phương án nhưng không chọn phương án cụ thể nào. Theo ông Tuấn, phương án 2 không khả thi vì cuộc sống người dân khó khăn, toàn hộ nghèo và cận nghèo, không thể mua nhà ở xã hội.

"Họ chỉ muốn có chung cư mới, tiếp tục được thuê để an cư lạc nghiệp", đại biểu Tuấn nêu ý kiến và đề xuất chọn phương án một, thành phố đầu tư ngân sách xây chung cư cho người dân thuê lại.

Chung cư hết hạn sử dụng 3 năm, 2.000 người vẫn chờ phương án di dời - 4

Ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng (Ảnh: HĐND).

Trong khi đó, đại biểu Vũ Quang Hùng nêu từ tháng 7, vấn đề này đã được chất vấn và đến bây giờ đã là tháng 12 nhưng chưa thấy chuyển biến gì.

Năm 2017, Sở Xây dựng đánh giá rằng chung cư Hòa Minh, Thuận Phước đến năm 2020 hết hạn sử dụng. Như vậy, đến nay đã quá hạn sử dụng 3 năm.

"Trong luật nói rất rõ, các chung cư đã hết hạn sử dụng phải cưỡng chế dân ra ngoài, không phải chờ các phương án tái định cư. Đã quá hạn 3 năm rồi vẫn chờ phương án là chưa thuyết phục", đại biểu Hùng nói.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng cam kết thời hạn hoàn thành xong phương án bố trí người dân tại 3 chung cư.

Giám đốc Sở Xây dựng cho hay hiện nay mới dừng ở mức báo cáo kế hoạch, phương án, giao cho ban quản lý Hạ tầng và phát triển đô thị nghiên cứu. Sau khi Ban quản lý có ý kiến và rà soát lại, đơn vị sẽ báo cáo phương án cho HĐND vào kỳ họp gần nhất, dự kiến trong tháng 1/2024.