1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Chưa vội đánh giá bị động trong vụ tiền polymer

(Dân trí) - “Thông tin trên báo cần xem như một nguồn tin tố giác để rồi bắt đầu có các biện pháp nghiệp vụ, lần ra sự việc. Nếu không có tham nhũng thì trả lời cho dư luận, có thì phải làm đến nơi đến chốn. Đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng…”

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trao đổi bên hành lang Quốc hội về diễn biến nghi án tham nhũng trong vụ in tiền polymer.
 
Mấy ngày nay dư luận đang rất quan tâm những thông tin về nghi án tham nhũng trong vụ in tiền polymer. Quan điểm của bà thế nào trước những phản ứng nhiều chiều về vụ việc?
 
Quan điểm của tôi là phải xem xét cẩn trọng, xem nội dung vụ việc thế nào, thông qua tổ chức hợp tác quốc tế như Interpol… để tìm hiểu thêm về vụ việc. Cần coi thông tin trên báo như một nguồn tin tố giác tội phạm. Lúc này, các cơ quan chức năng phải tiếp cận nắm tình hình.
 
Chưa vội đánh giá bị động trong vụ tiền polymer - 1
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba.
 
Chống tham nhũng là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của nhà nước. Với những thông tin này, dư luận cho rằng các cơ quan chức năng có cần vào cuộc chủ động hơn mức độ tiếp cận nắm tình hình?
 
Việc phòng chống tội phạm nói chung trong đó có phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng đều phải chủ động. Còn việc chủ động bằng cách nào, tùy theo sự việc để tiếp cận làm sao thì đó hoàn toàn là nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp, mục đích cuối cùng là chúng ta phát hiện và xử lý được đúng người đúng tội, không để lọt mà cũng không làm oan sai.
 
Thảo luận về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm tại hội trường hôm qua, một số đại biểu có so sánh việc này với vụ PCI, chúng ta đã bị động cho đến khi dư luận phản ứng mới vào cuộc. Vụ in tiền polymer đại biểu cảnh báo cũng đang có dấu hiệu như thế?
 
Đấy là ý kiến của đại biểu. Còn tôi thì cho rằng, có những việc đứng ngoài mình không thể đánh giá được hết. Hơn nữa, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào tránh nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
 
Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng cũng đã trả lời phỏng vấn báo chí là việc này cơ quan chức năng sẽ xem xét. Chúng ta chưa nên vội đánh giá là bị động hay không.
 
Thông tin về nghi án này, địa chỉ tham nhũng rất rõ ràng, cụ thể. Vụ việc đến nay có vẻ xác thực như thế, chúng ta có thể có biện pháp nào chủ động hơn để nắm bắt?
 
Trong hoạt động nghiệp vụ có mấy cách để ta phát hiện tội phạm. Ví dụ như tự mình qua nguồn tin trinh sát, thăm kiểm tra, kiểm toán, qua nguồn tin quần chúng hoặc các tổ chức cung cấp.
 
Tôi cho rằng thông tin từ báo chí Úc là một trong những nguồn tin. Tuy nhiên qua thông tin đó, các cơ quan có trách nhiệm phải kiếm chứng độ tin cậy. Hơn nữa cũng phải tiến hành các biện pháp để xem việc đó là có khả năng xảy ra hay không. Khi xác định được rồi thì chúng ta mới tiến hành các biện pháp tố tụng.
 
Liên quan đến tội phạm có yếu tố nước ngoài, vậy cơ quan nào sẽ là người chịu trách nhiệm chính, đầu mối để làm rõ vụ việc này?
 
Hiện VKS được giao là một đầu mối hợp tác nhưng cũng phải phối hợp nhiều ngành, một mặt là thu thập thông tin từ bên ngoài, một mặt làm trong nước.
 
Tôi nói rồi, ta xem đó như một tin báo, một thông tin để rồi bắt đầu có các biện pháp nghiệp vụ, lần ra xem sự việc có hay không. Nếu không có thì trả lời cho dư luận, có thì phải làm đến nơi đến chốn. Đó là trách nhiệm của các cơ quan.
 
Vụ polymer, thời gian trước dư luận cũng đã có những thông tin, nghi vấn nhưng sau đó lãng đi. Đến giờ, khi có những thông tin mới rất cụ thể từ đầu mối đối tác Úc, chúng ta mới lại đặt ra nhiều vấn đề. Phải chăng vì việc có liên quan đến một số quan chức cấp cao cũng như những nhân vật khá nhạy cảm làm cho vụ việc bị giãn cách?
 
Theo tôi thì có lẽ không phải vậy. Trong lịch sử chúng ta đã từng xử lý những vụ việc của các cán bộ cấp cao chứ không phải vì có cán bộ cấp cao mà việc này không được phanh phui, không được làm.
 
Còn lý do vì sao mà từ đó đến giờ chưa làm được thì phải hỏi cơ quan chức năng. Sau này chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm làm việc với các cơ quan đó.
 
Xin cám ơn bà!
 
P. Thảo (thực hiện)