1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chưa triển khai Quỹ Hưu trí bổ sung

(Dân trí) - Vấn đề triển khai thí điểm Quỹ Hưu trí bổ sung chưa thể triển khai vào thời điểm 1/6 mà dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 11 năm nay. Chương trình không chỉ dừng ở mức thí điểm.

Trước thông tin từ 1/6/2013, những người lao động thuộc tập đoàn, doanh nghiệp lớn muốn tham gia bảo hiểm hưu trí sẽ bắt đầu đóng góp gây quỹ. Số tiền người lao động đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của họ tại ngân hàng và tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu. Mức đóng là 5-10% thu nhập thực tế hàng tháng nhưng không quá 10 triệu đồng... Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời điểm 1/6 chưa thể triển khai chương trình này.

Theo ông Giang, hiện Bộ vẫn đang hoàn thiện dự thảo đề án Quỹ Hưu trí bổ sung, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 11 năm nay. Việc thí điểm cũng không chỉ dừng lại ở các tập đoàn và doanh nghiệp lớn mà mở rộng tại tất cả 4 loại hình doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phẩn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Thời gian thực hiện thí điểm và thí điểm trong bao lâu sẽ do Thủ tướng quyết định.  

Mức lương hưu bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng hiện nay không đảm bảo được nhu cầu sống của người dân, khi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) của nước ta vẫn chưa được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Nhiều người mong muốn được đóng góp cao hơn để được nhận lương hưu cao khi về hưu nhưng không được. Bởi theo quy định của BHXH, người lao động chỉ được đóng BHXH cao gấp 20 lần so với lương tối thiểu.

Chưa triển khai Quỹ Hưu trí bổ sung thời điểm 1/6.

Chưa triển khai Quỹ Hưu trí bổ sung thời điểm 1/6.

Theo dự thảo đề án, Quỹ sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Ngoài tiền BHXH bắt buộc, các doanh nghiệp hoặc NLĐ tự nguyện đóng dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng một khoản lương hàng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả. Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hàng tháng của NLĐ và quy định mức đóng tối thiểu cũng như mức trần đóng tối đa. Vụ BHXH tính toán, sau 15 năm đóng góp, ngoài lương hưu cơ bản, số tiền NLĐ nhận được hàng tháng từ nguồn hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng trong 15 năm.

Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Cụ thể: tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do mọi nguyên nhân được thanh toán 1 lần (24 tháng); Quyền lợi được tăng lên trong trường hợp tử vong do tai nạn lao động (12 tháng); Thương tật bộ phận vĩnh viễn do tại nạn lao động (theo tỷ lệ thương tật, khoảng 35,5 tháng); Mất khả năng lao động tạm thời (tối đa 3 tháng).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc triển khai Quỹ Hưu trí bổ sung là cần thiết, bởi những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tuy tăng lên, nhưng do điều kiện làm việc độc hại nên khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe thường suy giảm và hay ốm đau. Do vậy, chỉ với chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đây là chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.

Về lộ trình, Quỹ Hưu trí bổ sung sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015): hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số doanh nghiệp. Giai đoạn 2 (2015-2020) sẽ hoàn thiện khung pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 3 (sau 2020) sẽ nghiên cứu chuyển đổi mô hình Quỹ Hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc.

Phạm Thanh