1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa có quốc tịch nước ngoài

(Dân trí) - Đến nay không có tên bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương trong danh sách những người được thôi quốc tịch Việt Nam.

Theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố các bị can liên quan đến sai phạm quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) của Bộ Công an, bị can Hồ Thị Kim Thoa (sinh năm 1960, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã bỏ trốn.

Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can này; đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa đến khi nào bắt được sẽ tiến hành điều tra và phục hồi xử lý theo quy định.

Được biết, sau khi nghỉ hưu, bà Thoa đã sang Pháp sinh sống cùng con ruột. Theo nguồn tin của PV Dân trí từ Bộ Tư pháp, đến nay không có tên Hồ Thị Kim Thoa (SN 1/6/1960, quê quán: Nghệ An) trong danh sách những người được thôi quốc tịch Việt Nam.

Bộ Tư pháp cũng không nắm được thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa. Hiện nay, Pháp không yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam thì mới được nhập quốc tịch nước này.

“Nếu bà Thoa đã nhập quốc tịch Pháp nhưng không khai báo với cơ quan chức năng Việt Nam thì bà ấy đã vi phạm Luật Quốc tịch”- nguồn tin cho hay.

Chưa có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa có quốc tịch nước ngoài - 1

Bị can Hồ Thị Kim Thoa đang ở nước ngoài.

Trước đó, ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo kết luận điều tra, bà Hồ Thị Kim Thoa là người có trình độ, kinh nghiệm và hiểu biết trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, công nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 đã được sắp xếp giao cho Bộ Công Thương, Tổng công ty Sabeco (doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương vốn mức 89%) để quản lý sử dụng và đầu tư xây dựng khách sạn 6 sao trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới. Dù biết việc này nhưng bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt, ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp Nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Hành vi trên của bị can Thoa diễn ra trong một thời gian dài, có tính hệ thống, cố ý làm trái quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước. Hành vi của bị can Thoa đã cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chưa có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa có quốc tịch nước ngoài - 2

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Theo chuyên gia pháp lý, Luật tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết nhưng nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.

Hơn nữa, nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật này dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý. Đó là chưa kể một số tội danh trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, nên việc yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.

Trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài

Như Dân trí từng phản ánh, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ được Bộ Công an công bố cho thấy, đến hết tháng 5/2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng.

Căn cứ quy định của Luật Tương trợ tự pháp năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài.

Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

 Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm