1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chưa có kết quả vụ đấu giá mỏ cát từ 1,2 lên 373 tỷ đồng ở Quảng Nam

Công Bính

(Dân trí) - Liên quan đến mỏ cát tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng, được đấu giá lên gần 373 tỷ đồng, đến nay cơ quan chức năng chưa có quyết định công nhận hay không công nhận.

Ngày 29/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - cho biết, đến nay vẫn chưa có quyết định công nhận hay không công nhận doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát từ 1,2 tỷ đồng lên gần 373 tỷ đồng.

Theo ông Úc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu chưa công nhận vụ đấu giá này.

Chưa có kết quả vụ đấu giá mỏ cát từ 1,2 lên 373 tỷ đồng ở Quảng Nam - 1

Vị trí mỏ cát được đấu giá từ 1,2 tỷ đồng lên gần 373 tỷ đồng (Ảnh: Nam Dương).

Ngày 29/10, ông Trần Nam Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải chú trọng khâu lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.

Trước phiên đấu giá, cần phổ biến thông tin cho tổ chức, cá nhân tham gia hiểu rõ số tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước để được quyền khai thác khoáng sản.

Ngoài số tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện nhiều khoản chi phí khác như: thăm dò, khai thác, chế biến và phải thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, tổ chức trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức trúng đấu giá phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản, trong đó có số tiền trúng đấu giá.

Trong quá trình đấu giá, trường hợp có yếu tố bất thường với giá trả cao hơn nhiều lần so với giá bán ra của cùng chủng loại khoáng sản tại địa phương, nhằm mục đích "phá" cuộc đấu giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc có biểu hiện lợi dụng tham gia đấu giá để các tổ chức, cá nhân khác phải thương lượng nhằm trục lợi thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ và Công an các huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, xác minh các cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá có các hành vi vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản của các huyện; trường hợp quy trình, thủ tục và việc tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa đảm bảo quy định, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để ngăn chặn các hành vi tiêu cực, ngăn chặn tình trạng cố tình trả giá cao rồi bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn các phiên đấu giá để trục lợi.

Trước đó, ngày 18/10, UBND thị xã Điện Bàn và Công ty đấu giá Hợp Danh Hòa Thuận tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B (tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn).

Điểm mỏ này có diện tích hơn 6ha với trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt gần 160.000m3. Giá khởi điểm đưa ra 1,2 tỷ đồng, doanh nghiệp tham gia đấu phải đặt trước số tiền 242 triệu đồng.

Qua hơn 20 giờ đấu với 200 vòng, đến hơn 4h ngày 19/10, cuộc đấu giá mới kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới gần 373 tỷ đồng.

Sau vụ đấu giá, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm dừng công nhận kết quả trúng đấu giá, giao công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm