1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chưa cán bộ nào bị truy tố vì xử oan sai cho người vô tội”

(Dân trí) - “Trong ngành tòa án tôi chưa biết có trường hợp cán bộ nào bị truy tố trước pháp luật vì xử oan sai cho người vô tội cả. Họ chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, cao nhất là chậm tái nhiệm...”, ông Đỗ Văn Chỉnh - Nguyên thẩm phán TANDTC khẳng định.


Ông Đỗ Văn Chỉnh – Nguyên chánh thanh tra, thẩm phán TAND Tối cao : Luật của chúng ta quá khó hiểu!

Qua vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy, nền Tư pháp của chúng ta còn nhiều bất cập trong việc xử lý các cán bộ khi để xảy ra oan sai cũng như việc đảm bảo quyền lợi cho những người bị tam giam, tạm giữ, thưa ông?

Thực tế việc cải cách đã được tiến hành từ nhiều năm qua nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong cải cách cũng phải đề cao trách nhiệm của những cán bộ, trong nhiều vụ án chính những cán bộ tham gia tố tụng lại làm thiệt hại cho nhà nước, oan sai cho người dân, tuy nhiên việc xử lý lại chưa nghiêm. Chưa có ai bị truy tố vì xử oan cho người vô tội cả!

Hiện nay, nội dung cải cách mới chỉ đi vào phần tranh tụng mà chưa chú trọng vào các phần chính yếu của tố tụng. Lẽ ra chúng ta phải cải cách từ khâu điều tra, nghĩa là luật sư phải được tham gia vào quá trình hỏi cung để tránh bị bức cung, ép cung.

Thứ nữa, luật của chúng ta khó hiểu quá. Một điều luật quá cô đọng người đọc không hiểu gì, ngay cả thẩm phán nhiều khi cũng chưa hình dung ra hết. Thêm vào đó, một điều luật được ban hành nhưng lại có tới vài chục văn bản đi kèm, hướng dẫn, giải thích. Việc giải thích lại theo hình thức mỗi năm hướng dẫn một văn bản. Cải cách tư pháp đầu tiên phải là vấn đề làm luật, phải thật khoa học, rõ ràng chứ không thể rối rắm, tản mạn như hiện nay được.

Người dân đang mất niềm tin vào các cơ quan công quyền

Chúng ta vẫn còn khái niệm “làm án” hay “làm án bỏ túi”. Theo ông cải cách Tư pháp sẽ ứng xử thế nào trước thực trạng này?

Tôi cũng như nhiều người có tâm huyết đối với nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm trong đời sống xã hội của chúng ta hiện nay rất trăn trở với việc hạn chế tối đa các vụ án oan sai cho người vô tội. Nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người thì phải coi đây là một thảm họa cho bản thân và cả gia đình của họ. Phải coi đây là một việc mà cả cộng đồng chúng ta phải chịu trách nhiệm. Đây là một vấn đề lớn thuộc trách nhiệm của cả một hệ thống cơ quan Tư pháp.

Thẩm phán có quyền chuẩn bị, nghiên cứu hồ sơ cho vụ án nhưng phải căn cứ cả vào những tình tiết, diễn biến mới tại phiên tòa xét xử. Việc “làm án” hay “làm án bỏ túi” cần phải ngăn chặn.

Hiện nay có một thực tế, trước các bất cập xảy ra trong đời sống xã hội người dân thường tìm cách “tự xử” hơn là nhờ đến các cơ quan công quyền. Đơn cử như vụ việc: Cả làng vây đánh chết trộm chó hay phanh phui tiêu cực nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức v.v... Phải chăng, trước các vấn đề tiêu cực, chúng ta chưa làm rốt ráo và ngay cả luật pháp hiện hành cũng chưa nghiêm dẫn tới việc mất niềm tin của người dân?

Một thực tế buồn và đáng suy ngẫm! Trên thực tế có những khiếu nại của người dân không được xem xét một cách khách quan nên họ phải nhờ đến các cơ quan báo chí đăng tải, dựa vào dư luận xã hội để tác động các cơ quan cấp cao giải quyết. Như vậy rõ ràng việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại của chúng ta còn chậm trễ, còn quan liêu dẫn đến người dân chưa tin tưởng.

Đơn cử như vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn, tại sao tại phiên xét xử của Tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn kêu oan lại không được xem xét một cách thấu đáo? Đơn thư, khiếu nại của ông Chấn suốt 10 năm qua được gửi đi đến các cơ quan chức năng, tại sao đến bây giờ mới có kết luận?

Trên thực tế, báo chí ủng hộ người dân, chống tiêu cực một cách tương đối khách quan nên được nhiều người tin tưởng hơn. Ngay trong ngành tòa án nhiều người lại xét xử chưa thật khách quan. Việc “chạy án” là có và đã có nhiều điều tra viên bị đi tù vì làm sai lệch hồ sơ, nhiều lãnh đạo tòa án bị truy tố vì tội nhận hối lộ. Việc phát hiện, xử lý những trường hợp tiêu cực này không đơn giản. Hoặc phát hiện, xử lý nhưng lại làm nửa vời, lấy lệ, chưa triệt để nhiều khi trở thành tiền lệ. Chính vì thế, người dân không tin tưởng “tố cáo” tiêu cực với các cơ quan công an.

Ông Chu Văn Vẻ - Nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao: Cần truy tố cán bộ ép cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án

Mới đây, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên với ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội giết người, ông có bình luận gì về phán quyết này?

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án về tội: “Giết người” và bị tù giam đến nay 10 năm, đó là một thời gian rất dài, bây giờ lại kết luận ông Chấn không phạm tội. Đây là một thông tin bất ngờ, gây xôn xao dư luận, hoang mang trong đời sống xã hội.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ án này theo trình tự, quy định của pháp luật. Trách nhiệm trong vụ án oan sai này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp đối với vụ án bao gồm: Cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang; Tòa án nhân tối cao tại Hà Nội (cơ quan xét xử phúc thẩm vụ án). Trong các cơ quan này, cơ quan nào có sai phạm để lọt ông Chấn bị kêu tội oan thì sai phạm đến đâu sẽ được làm rõ và xử lý đến đó.

Tiền bồi thường oan sai cho ông Chấn sẽ được trích từ ngân sách nhà nước hay do cá nhân người sai phạm phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường, để khắc phục hậu quả sớm cho người bị oan, trước mắt số tiền đền bù oan sai cho ông Chấn sẽ được trích từ ngân sách nhà nước. TAND Tối cao - cơ quan xét xử cuối cùng trong vụ án - phải có trách nhiệm bồi thường. Sau này, nếu xác định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại thì họ phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước.

Là người trong ngành, ông nghĩ gì về thông tin ông Chấn nói mình bị cán bộ điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để “học thuộc” lời khai của vụ án?

Đây là một hành vi cần phải lên án và phê phán mạnh mẽ. Nếu xác minh được cán bộ điều tra nào cố ý dùng nhục hình, ép cung ông Chấn để làm sai lệch hồ sơ vụ án thì cần phải xử lý nghiêm và truy tố trước pháp luật.

Chưa cán bộ nào bị truy tố vì xử oan sai cho người vô tội!

Trong suốt quá trình công tác tại TAND Tối cao, ông đã từng chứng kiến những vụ án oan sai nào chưa? Nếu có thì quá trình xử lý thế nào?

Tôi cũng đã trực tiếp xét xử một số vụ án do các bị cáo kháng cáo kêu oan. Khi tổng hợp các chứng cứ để kết tội bị cáo thì thấy nó chưa đầy đủ, chưa vững chắc, cần phải điều tra, thu thập thêm chứng cứ thì mới có căn cứ để quyết định xử bị cáo đó là vô tội hay có tội. Trong những trường hợp này, chúng tôi thường tiến hành hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để họ trao trả hồ sơ vụ án cho cơ quan công an điều tra lại từ đầu. Trong trường hợp các tình tiết của vụ án đã rõ ràng thì tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nếu quyết định này không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì nó được thi hành. Người bị kết tội oan được yêu cầu bồi thường oan sai theo quy định.

Rõ ràng vụ việc oan sai của ông Chấn không phải là trường hợp cá biệt. Thưa ông, tại sao tỷ lệ các vụ án oan sai ở Việt Nam vẫn còn khá cao?

Thực tế, trong công tác điều tra, truy tố và xét xử của chúng ta những năm gần đây còn có một số vụ án oan sai nhưng tỷ lệ thì không phải quá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng làm mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ở đây có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là cơ chế giám sát của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Chúng ta mới chỉ nặng về kêu gọi cán bộ thi hành công vụ phải làm như thế này, phải làm như thế kia! Người có ý thức, có trách nhiệm thì họ làm tốt nhưng ngược lại không ít cán bộ họ vô cảm mà không làm tròn nhiệm vụ, trọng trách được giao phó. Việc xử lý cán bộ vi phạm cũng lại không nghiêm.

Trong ngành tòa án tôi chưa biết có trường hợp cán bộ nào bị truy tố trước phát luật vì xử oan sai cho người vô tội cả. Họ chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách, rút kinh nghiệm cao nhất là chậm tái nhiệm.

Pháp luật đã quy định rõ, người bị giam giữ có quyền có luật sư trong vòng 24h. Nhưng hiện nay, trong nhiều trường hợp, quyền này không được đảm bảo nên việc ép cung, bức cung vẫn xảy ra dẫn đến nhiều người vô tội buộc phải nhận mình có tội, thưa ông?

Để chống oan sai và để bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, Nhà nước ta ban hành Luật Luật sư. Trong đó, quy định rõ, người bị tạm giam, tạm giữ có quyền có luật sư để bảo vệ cho họ. Theo tôi, trong nhiều trường hợp điều này khó thực hiện. Bởi vì do nhận thức của cơ quan điều tra cho rằng việc bị tạm giam, tạm giữ mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình điều tra vụ án. Nếu có luật sư ngay thì họ sẽ quanh co chối tội, không thành khẩn, gây khó khăn cho công tác điều tra. Đây cũng là thực trạng của nền tư pháp chưa tiến bộ của chúng ta. Ở các nước tiên tiến việc có luật sư ngay cho những người bị tạm giữ là một nhu cầu của các cơ quan điều tra cũng như của bị can. Có lẽ, chúng ta sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới tiến được tới một nền tư pháp tiến bộ như thế!
 
 
Chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội giết người. Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Ngọc Ngưu (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đánh giá: "Theo quy định cơ quan xét xử cuối cùng của vụ án, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao sẽ phải bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, trong đó bao gồm các khoản: Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại do tổn thất tinh thần; thiệt hại tổn thất về sức khỏe. Cơ quan gây ra oan sai có trách nhiệm xin lỗi công khai, khôi phục danh dự tại địa phương ông Chấn sinh sống và đăng lời xin lỗi trên báo chí", ông Ngưu cho biết.
 
Ông Dương Ngọc Ngưu cũng nhấn mạnh, nếu ông Chấn không đồng ý với số tiền bồi thường theo quyết định của cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì có thể khiếu nại hoặc kiện ra tòa án yêu cầu được bồi thường với số tiền cao hơn. Việc xử lý các cá nhân xử oan người vô tội, theo ông Ngưu cũng phải tiến hành một nghiêm túc: “Nếu điều tra viên cố tình ép cung, mớm cung, dùng nhục hình ép người ta nhận tội thì phải xử lý về mặt hình sự. Với cơ quan khác như công tố, tòa án, do cũng căn cứ vào hồ sơ nên tùy mức độ để xử lý nghiêm”, ông Ngưu nói.
 
Cũng theo ông Ngưu, vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn là bài học sâu sắc không chỉ với nghành kiểm sát mà đối với tất cả các cơ quan tố tụng như kiểm sát viên, điều tra viên: “Chứng cứ là một phần hết sức quan trọng nên phải căn cứ vào chứng cứ thu thập chứ không thể áp đặt ý chí chủ quan để luận tội. Chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: “Trọng chứng hơn trọng cung”. Mỗi chứng cứ phải được các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm xem xét, kiểm tra, đánh giá với tinh thần trách nhiệm, đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Hà Trang
 
Hà Trang - Xuân Ngọc

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau