Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển:
Chưa bao giờ tôi nghĩ tăng mức học phí lên 900.000đ/tháng!
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khẳng định ngay trong báo cáo giải trình về đề án điều chỉnh học phí, vấn đề đang gây xôn xao dư luận, trước Quốc hội chiều nay, 24/11. “Là một nhà giáo tôi không bao giờ nghĩ thế, tôi mong Quốc hội và cử tri chia sẻ”, ông nói.
Câu hỏi được các đại biểu đặt ra nhiều nhất và trước tiên cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển không nằm ngoài những thắc mắc về căn cứ, mục đích và nội dung cơ bản của Đề án điều chỉnh học phí mà Bộ Giáo dục đào tạo đưa ra trong thời gian gần đây.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã đưa ra ba căn cứ cho việc xây dựng đề án này là: nhằm đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước; khắc phục những bất cập trong cơ chế thu và sử dụng học phí hiện nay; đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục.
Đề án học phí mới sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về học phí theo hướng huy động một cách hợp lý sự đóng góp của những gia đình có khả năng. Bộ sẽ đề nghị tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục để dành ưu tiên hỗ trợ học sinh nghèo và con em gia đình thuộc diện chính sách, tập trung phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, thực hiện phổ cập giáo dục và một số chương trình trọng điểm khác. Trên cơ sở đó, vấn đề bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội, chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền mới được giải quyết.
Căn cứ thứ hai để điều chỉnh học phí là do Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thu và sử dụng học phí đã bộc lộ những hạn chế sau 7 năm thực hiện. Chẳng hạn, khung học phí hiện hành chưa bao quát hết các cơ sở giáo dục ở các địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau. Quy định về cơ chế miễn giảm, cấp bù và sử dụng học phí chưa thuận lợi với người học và các cơ sở giáo dục...
Bộ hi vọng đề án học phí mới sẽ đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục là đưa tất cả các khoản thu được phép vào học phí, chấm dứt tình trạng lạm thu trong nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cho biết, đề án không đưa ra quy định về các mức học phí cụ thể mà chỉ đề xuất về khung với giới hạn tối thiểu và tối đa. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, tiểu học và THCS giữ nguyên như quy định hiện hành; đối với các cấp học còn lại thì giữ nguyên mức tối thiểu, nới rộng mức tối đa để có thể bao quát được hết các loại hình đào tạo ở các địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau với lộ trình đến năm 2010.
Vừa qua, có một số thông tin cho rằng, sắp tới học phí sẽ tăng đồng loạt, ở THPT gấp 3 lần; ở đại học gấp 5 lần và tới mức 900.000 đồng/tháng. Bộ trưởng khẳng định hoàn toàn không có dự kiến như vậy. Đây chỉ là mức học phí tối đa của khung học phí, và chỉ cho phép thực hiện đối với một số ít ngành đào tạo đặc biệt ở một số ít trường có sử dụng chương trình quốc tế, có mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy và có một số yêu cầu đặc biệt khác.
Đề án điều chỉnh học phí cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên. Cụ thể, đối tượng miễn, giảm học phí sẽ được nới rộng. Mức học bổng cũng tăng lên. Đồng thời, Bộ sẽ bổ sung ngân sách cho quỹ tín dụng đào tạo để hỗ trợ sinh viên con em các gia đình khó khăn trang trải chi phí học tập.
Về lộ trình thực hiện, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, việc điều chỉnh học phí sẽ được thực hiện từng bước, không có sự thay đổi đột ngột, phù hợp với điều kiện của nhà trường, với khả năng hỗ trợ của ngân sách và mức thu nhập trung bình của người dân.
Hiện, đề án điều chỉnh học phí chỉ là phương án đưa ra để xin ý kiến, chưa thành quyết định chính thức. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe các ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội, tiếp thu một cách nghiêm túc để xây dựng một phương án hợp lý, có tính khả thi cao, giải được bài toán tổng thể về nguồn tài chính cho giáo dục, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn tới.
Kết thúc phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, người đầu tiên tham gia chất vấn là đại biểu Nguyễn Hồng Vy, tỉnh Sơn La, bà cho rằng trong khi tất cả người lao động chỉ phải làm việc 40h/tuần và nếu có làm thêm ngày thứ bấy thì đều được hưởng 150-200% lương thì bộ phận giáo viên không được hưởng điều đó, bà đề nghị: “sửa đổi ngay qui định đối với giáo viên” và chất vấn: “Trong văn bản trả lời của bộ trưởng có ghi Bộ GD- ĐT và Bộ Nội vụ đã nghiên cứu để thay đổi định mức lao động đối với giáo viên… đây là câu trả lời không có gì mới, đề nghị bộ trưởng cho biết vì sao đề nghị không được giải quyết, trách nhiệm thuộc về ai?”.
Bộ trưởng Hiển trả lời và cho biết chế độ làm việc 40h/tuần đối với ngành giáo dục đã được đặt ra từ năm 1999. Việc tính toán định mức giờ giảng với giáo viên rất khó, không chỉ ngành giáo dục có thể thực hiện được và cho biết sẽ “ngồi” lại với Bộ Nội vụ để tính lại định mức với giáo viên. Tuy nhiên, hiện vấn đề vẫn chỉ ở mức bàn thảo. Bộ trưởng nhận trách nhiệm: “Trước hết là trách nhiệm của ngành giáo dục, chưa tích cực, chưa thật chủ động nhưng có lẽ Bộ nội vụ cũng nên chia sẽ với chúng tôi”.
Đại biểu Vy chưa thỏa mãn, và đặt câu hỏi: “Đã có qui định cụ thể về vấn đề này, tại sao vẫn chưa được thực hiện?” Bộ trưởng Hiển trả lời: “Bây giờ chỉ còn là sự bàn bạc giữa ngành giáo dục và nội vụ về biên chế và định mức giáo viên”.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho biết thấy đại biểu Vy “hiền quá” nên hỏi tiếp: “Bộ trưởng có thể cho biết đề án trình sang bộ nội vụ từ khi nào?”, Bộ trưởng Hiển cho biết đã bàn bạc chuyển sang bộ nội vụ từ… 1999”, Chủ tịch QH đặt tiếp câu hỏi: “Từ 1999 đến giờ mà hai bên chưa trình được Chính phủ thì thử hỏi còn sớm hay quá muộn?”.
Với phong cách sắc sảo thường thấy, đại biểu Nguyễn Lân Dũng, tỉnh Đắc Nông sau khi đã thông cảm với khó khăn của bộ trưởng ở vị trí tư lệnh lĩnh vực có liên quan tới 21 triệu học sinh và 1 triệu thày cô giáo, cho rằng giải trình của bộ trưởng chưa rõ và ông đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ làm gì để giải tỏa nỗi lo lắng nhất hiện nay của xã hội là chất lượng giáo dục”. Ông cũng đưa ra ý kiến của một nhà giáo lão thành đề nghị Bộ có thể lựa chọn khâu quan trọng nhất để tháo gỡ đó là hợp tác với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN để sửa lại chương trình sách giáo khoa.
Bộ trưởng Hiển khẳng định,: “Khâu “đột phá” để nâng cao chất lượng giáo dục sẽ tập trung xoay quanh ông thầy, ông thầy có đảm bảo yêu cầu thì chất lượng đào tạo mới tốt”. Bộ trưởng Hiển cũng thừa nhận thiếu sót khi chưa liên kết với Liên hiệp các Hội KHKTVN để biên soạn sách giáo khoa. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian tới bằng việc mời Liên hiệp các Hội KHKTVN tham gia vào soạn thảo, thẩm định các giáo trình, kiểm định chất lượng đào tạo, đặc biệt là các trường đại học.
Liên quan đến chế độ của giáo viên mầm non, đại biểu Trần Thị Minh Hòa, tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: “Đây là ngành học rất được xã hội quan tâm nhưng chế độ với giáo viên còn rất hạn chế, giáo viên ngoài biên chế lương chỉ khoảng 150-200 ngàn đồng/tháng, vấn đề này đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?”. Bộ trưởng cho rằng, việc giải quyết chế độ với giáo viên mầm non đã có qui định đảm bảo bằng mức lương tối thiếu (350.000đ/tháng) nhưng do một số địa phương tài chính còn khó khăn nên chưa thể thực hiện. Bộ trưởng cũng thông báo : “Kỳ họp chính phủ vào tháng 11 này sẽ bàn tổng thể về vấn đề phát triển giáo dục mầm non trong đó có chính sách đối với giáo viên mầm non”.
Đại biểu Vũ Thị Huệ (Hưng Yên) đặt ra câu hỏi: "Theo quyết định của thủ tướng Chính phủ, và thông tư của Bộ GD-ĐT thì sinh viên sư phạm được giảm học phí, miễn học phí nếu cam kết ra trường sẽ hoạt động trong ngành, Thế nhưng, sau 7 năm thực hiện, trên thực tế đã có 150.000 giáo viên ra trường nhưng ngành chưa phân công được giáo sinh nào đi nhận công tác như đã cam kết trong khi nhiều nơi vẫn rất thiếu giáo viên”. Bộ trưởng Hiển lý giải vấn đề là do không có biên chế. Vùng sâu vùng xa vẫn còn nhu cầu nhưng giáo sinh lại ngại và muốn làm việc ở thành phố.
Đúng với tinh thần “đối thoại” của kỳ chất vấn lần này, đại biểu Huệ cho rằng, vì đã có cam kết nên nếu không được phân công thì nên bỏ cam kết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đề nghị: “bộ trưởng cho biết bộ trưởng có cam kết việc đó không?”, Bộ trưởng trả lời có sự cam kết giữa sinh viên với nhà trường, Chủ tịch hỏi dồn: “Như vậy là sinh viên cam kết với nhà trường thì ai chỉ đạo?” rồi Chủ tịch đề nghị: “Về quản lý ngành thì bộ phải quản lý, hướng dẫn và có chính sách phù hợp. Đã cam kết là phải làm”.
Đại biểu Ngô Thị Minh, tỉnh Quảng Bình chất vấn về việc đầu tư trang thiết bị dạy học không đồng bộ với các phòng bộ môn, các phòng đựng thiết bị dạy học và không đồng bộ với sự đào tạo đội ngũ giáo viên gây sự lãng phí rất lớn. Trả lời câu chất vấn này, Bộ trưởng Hiển hứa: “Tiếp thu và ý kiến và sẽ phối hợp với các địa phương khắc phục tình trạng này”. “Nghi nghờ” lời hứa của bộ trưởng, đại biểu Minh đề nghị Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp và lộ trình cụ thể hơn để giải quyết hiệu quả vấn đề chứ không thể chỉ là “tiếp thu ý kiến”, “tôi đi nhiều cơ sở thấy sự lãng phí rất lớn”, đại biểu Minh ta thán.
Không hài lòng với phong cách quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, đặt vấn đề: “Bộ trưởng có thấy cách quản lý và cách chuẩn bị các dự án mà Bộ đưa ra là quá cập rập, thiếu sự chuẩn bị không? Tôi nhớ hồi cải cách giáo dục đồng chí cho rằng khâu đột phá là sách giáo khoa, hồi nãy đồng chí lại nói là khâu giáo viên. Tôi không hiểu khâu nào là đột phá mà đồng chí lựa chọn. Dự án điều chỉnh học phí đồng chí nói 4 mục tiêu nhưng không có gì để lượng hóa 4 mục tiêu này sẽ đạt được với mức đã nêu?".
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trả lời: “Các dự án của Bộ đều được chuẩn bị với tinh thần trách nhiệm cao. Giáo dục là vấn đề phức tạp, đòi hỏi đầu tư trí tuệ, công sức không chỉ một mình ngành giáo dục làm được, mà đòi hỏi trí tuệ của toàn dân, chính vì vậy mà các đề án cải cách, đổi mới của ngành phải đưa ra xin ý kiến nhân dân. Cụ thể như vấn đề học phí, nếu không có phản hồi của nhân dân làm sao Bộ phát hiện ra những bất cập hiện nay để có kiến nghị lên Chính phủ".
“Chốt” lại phần chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Chủ tịch Nguyễn Văn An đề nghị, với một số nội dung mà Bộ Giáo dục thừa nhận nguyên nhân là do khâu tham mưu yếu, thiếu sự phối kết hợp với các bộ, ngành khác thì Bộ nên rút kinh nghiệm, khắc phục. Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là Ban dân nguyện và chính đại biểu có câu hỏi chất vấn phải theo dõi tiếp việc giải quyết của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Sau giờ giải lao chiều nay 24/11, Quốc hội chuyển sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hằng. Bộ trưởng Hằng đã nhận 10 phiếu chất vấn xoay quanh chính sách đối với thương binh, tình trạng bảo hiểm xã hội gây khó khăn cho người lao động...
Đức Hòa - Hồng Hạnh