1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chùa Ba Vàng đã gỡ bỏ thông tin liên quan "xá lợi tóc Phật"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trước yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Ba Vàng đã gỡ bỏ các thông tin đăng tải trên website của nhà chùa về "xá lợi tóc Đức Phật".

Chiều 31/12, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên trang web của chùa Ba Vàng, các bài viết, thông tin liên quan đến "xá lợi tóc Đức Phật" đã được gỡ bỏ. Hiện chỉ còn duy nhất bài "Chùa Ba Vàng báo cáo về xá lợi tóc Đức Phật".

Chùa Ba Vàng đã gỡ bỏ thông tin liên quan xá lợi tóc Phật - 1

Xá lợi tóc Đức Phật được trưng bày tại chùa Ba Vàng từ 23/12 đến 27/12 (Ảnh: Chùa Ba Vàng).

Trước đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, gửi gấp báo cáo giải trình về nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" và việc tổ chức sự kiện này.

Đồng thời, Giáo hội cũng yêu cầu chùa Ba Vàng và trụ trì gỡ bỏ ngay tất cả giới thiệu về "xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng" trên các trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, cũng như các trang mạng xã hội có liên hệ đến sự việc trên.

Như đã đưa tin, mấy ngày qua, các kênh thông tin của chùa Ba Vàng đã đăng tải thông tin ngôi chùa này đón nhận và trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" có từ 2.600 năm trước, được cho là mang về từ Myanmar. 

Chùa Ba Vàng đã gỡ bỏ thông tin liên quan xá lợi tóc Phật - 2

Trên trang web của chùa Ba Vàng hiện đăng nổi bật bài viết chùa báo cáo về "xá lợi tóc Phật" (Ảnh: Chụp màn hình).

Trụ trì chùa Ba Vàng giới thiệu "xá lợi tóc" này có thể tự chuyển động, thu hút nhiều người dân đến xem nhưng cũng gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội.

Ngay sau khi nhận thông tin chùa Ba Vàng tổ chức hoạt động trên, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" nói trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm