1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Chủ tịch xã phá mạ của dân để vận động... trồng giống lúa mới

(Dân trí) - Sau một buổi sáng cho lực lượng phá mạ của một hộ dân tại xóm Bắc Tân Dân, chủ tịch xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc) tiếp tục huy động hơn 30 người dùng nông cụ phá ruộng mạ của dân ở xóm Đông Vinh vì gieo mạ “sai giống cơ cấu”.

Cán bộ xã phá mạ của dân

Bà con xóm Bắc Tân Dân kể lại, khoảng 7h30 sáng ngày 27/11, chính quyền xã Tùng Lộc huy động gần 40 người và 19 xe máy cùng các ngư cụ như cào, máy cào… đi thẳng xuống  khóm ruộng mạ của ông Nguyễn Chỉ Dụ, cày xới hơn 20kg thóc mạ vừa gieo của ông Dụ. Nhiều bà con nông dân đã bức xúc cản trở cán bộ xã phá mạ, thậm chí dùng bùn ném trả lại một số cán bộ.

Đám ruộng mạ vừa mới gieo của hộ ông Nguyễn Đức Điềm bị phá trong chiều 27/11
Đám ruộng mạ vừa mới gieo của hộ ông Nguyễn Đức Điềm bị phá trong chiều 27/11

Chưa dừng lại, đến chiều 15h chiều ngày 27/11, lực lượng cán bộ xã huy động hơn 30 người tiếp tục triển khai hình thức phá mạ đối với hộ dân Nguyễn Đức Điềm tại xóm Đông Vinh khi ông Điềm đang đi vắng. “Tôi đang đi cắt cỏ bên kia sông thì nghe bà con gọi điện. Hai vợ chồng lật đật chạy về thì có chi nữa mô. Hơn 1 yến mạ cũng không còn mà lãnh đạo xã cũng rút đi hết”, bà Nguyễn Thị Danh (SN 1959), vợ ông Điềm buồn rầu nói.

Được biết, nguyên nhân khiến hai đám ruộng mạ của ông Dụ và ông Điềm bị phá là do... trồng sai giống lúa cơ cấu theo Nghị quyết 07-NQ/TV của Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc về việc chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2012 – 2013.

Ông Nguyễn Chỉ Dụ (SN 1947) phân trần: “Giống lúa IR 1820 đã nuôi sống người dân chúng tôi nhiều năm nay và đến giờ nó vẫn cho năng suất cao. Chúng tôi kiên quyết gieo trồng giống lúa này vì nó thích hợp nhất với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây... Bình quân mỗi vụ tôi thu được 3,5 tạ/sào, nhưng với giống lúa mới chúng tôi chỉ thu được 1,7 tạ/sào”.

Cũng theo nhiều người dân thì giống lúa Ấn Độ được chỉ định trong sản xuất mua tại hợp tác xã có giá khá cao là 80.000 đồng/gói 0,8kg, có thời điểm là 91.000 đồng/gói. Trong khi giá ngoài chợ bán chỉ là 70.000 đồng/gói 0,8 kg.

Phá ruộng để “vận động” dân?

Nghị quyết 07-NQ/TV của Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc (ra ngày 04/11/2011) chủ trương không cơ cấu giống lúa IR 1820, chuyển sang sản xuất các giống lúa mới ngắn ngày và cho năng suất cao hơn. Đây là nghị quyết nhằm giúp người dân nang cao năng suất trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, việc vận động bằng hình thức phá mạ của dân đã gây nên sự bức xúc trong người dân.

Ông Nguyễn Chỉ Dụ (đội mũ) bức xúc kể lại vụ việc
Ông Nguyễn Chỉ Dụ (đội mũ) bức xúc kể lại vụ việc

Trao đổi với Chủ tịch kiêm Bí thư xã Tùng Lộc về vụ việc trên, ông Đặng Thọ Liễu thừa nhận vụ việc trên là đúng. Ông Liễu cho biết đây là chủ trương theo nghị quyết của huyện về triển khai giống lúa mới cho năng suất cao. Tuy nhiêu khi được hỏi có văn bản nào triển khai nghị quyết bằng hình thức phá mạ của dân thì vị lãnh đạo này thừa nhận không có. “Chúng tôi đã rất nhiều lần vận động nhưng người dân không nghe. Trước khi bắt đầu mùa vụ chúng tôi đã đi vận động trước đó từ 7 đến 10 ngày mà dân không chịu hiểu. Đợt này chúng tôi cũng chỉ điều động đoàn để đi vận động người dân về triển khai giống lúa mới cho năng suất cao hơn”. Chúng tôi đặt câu hỏi tại sao đem nhiều nông cụ sản xuất để đi vận động, vị chủ tịch xã không trả lời. Ông Liễu cũng cho biết sẽ không có chuyện đền bù vì lỗi do dân làm sai quy định đã thông báo trước.

Ông Nguyễn Chỉ Dụ (đội mũ) bức xúc kể lại vụ việc
Ông Đặng Thọ Liễu - Chủ tịch kiêm Bí thư xã Tùng Lộc - thừa nhận có vụ việc cưỡng chế ruộng mạ của người dân

Ông Đặng Trần Phong - Phó Chủ tịch huyện Can Lộc - cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục kiên quyết thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, giống lúa 1820 sẽ không cơ cấu sản xuất nữa, vì là giống dài ngày, năng suất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi không hề có một quyết định hay văn bản nào triển khai giống lúa mới bằng hình thức cưỡng chế hay phá mạ như tại xã Tùng Lộc”.
 
Phượng Vũ