1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cảm ơn Dân trí

(Dân trí) - Sau loạt bài phản ánh về vụ “xà xẻo” tiền, hàng cứu trợ lũ quét năm 2002 tại huyện Hương Sơn, ngày 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Chất đã có công văn số 2045 gửi Tòa soạn cảm ơn báo Dân trí đã thông tin về vụ việc.

Ông Lê Văn Chất, thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh, cảm ơn Ban biên tập báo Dân trí đã đưa tin, phản ánh về những vi phạm trong việc tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả lũ quét năm 2002 tại huyện Hương Sơn.

Công văn này cũng cho biết, UBND tỉnh đã Hà Tĩnh đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra về những vấn đề báo phản ánh. Khi có kết luận chính thức của Đoàn thanh tra, UBND tỉnh sẽ thông báo đến Dân trí về kết quả xử lý vụ việc trên.

Trước đó, ngày 28/9, tại hội trường Huyện ủy Hương Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Đàn đã trả lời một số phản ánh, bức xúc của cán bộ, Đảng viên và nhân dân huyện Hương Sơn về vụ việc này. Ông Đàn hứa sẽ xử lý nghiêm khắc vụ việc và có kết luận chính thức trước ngày 15/10.

Vụ “xà xẻo” nguồn tiền, hàng cứu trợ lũ quét xảy ra tại huyện Hương Sơn từ năm 2002-2003. Sau lũ, đồng bào trong nước, nước ngoài và Chính phủ ủng hộ các địa phương chịu thiệt hại gần 95 tỷ đồng và hơn 2.500 tấn gạo. Trong đó riêng Hương Sơn đã tiếp nhận hơn 24 tỷ đồng và 1.300 tấn gạo.

Sau khi phát hiện những khuất tất về việc sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tại Hương Sơn và một số địa phương khác, nhiều cán bộ, Đảng viên đã có đơn thư phản ánh. Từ năm 2002 đến nay, đã có 6 đoàn thanh tra được thành lập để kiểm tra vụ việc, Cảnh sát kinh tế công an tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra, xác minh. Các kết quả sau thanh tra, điều tra đề khẳng định có sai phạm, nhưng vụ việc vẫn bị “chìm xuồng”!

Theo tính toán sơ bộ, số tiền cứu trợ lũ quét tại Hương Sơn đã bị “xà xẻo” và sử dụng sai mục đích lên đến hàng tỷ đồng nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật của Hà Tĩnh đã không khởi tố vụ án để truy tố những kẻ “đục nước béo cò” và thu hồi tiền về ngân sách nhà nước. Việc không khởi tố vụ án để truy tố trước pháp luật có dấu hiệu “ém án” bỏ lọt tội phạm vì đây là loại tội phạm xâm hại khách thể đặc biệt được pháp luật hình sự bảo vệ: nguồn tiền cứu trợ của Nhà nước đối với đồng bào bị thiên tai. Điều này đã gây bất bình dư luận, mất lòng tin của nhân dân.

Sau nhiều lần thanh tra, các kết luận đều khẳng định có sai phạm nhưng những kẻ cố ý làm trái, đục khoét trên nỗi đau người bị nạn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận. Nhiều người sai phạm chỉ bị nhắc nhở, xử lý theo hình thức “tuyên dương”, có người bị kỷ luật lại “lên tỉnh” làm “quan”.

Sau khi báo chí phanh phui sự việc này, nhân dân Hà Tĩnh và dư luận cả nước rất đồng tình ủng hộ. Hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả được chuyển tới tòa soạn Dân trí phản ánh bức xúc, nhiều người bất bình, phẫn nộ trước cách xử lý “giơ cao đánh khẽ” của tỉnh Hà Tĩnh trước sự việc trên.

Dư luận đang mong chờ một kết quả xử lý nghiêm minh sau lần thanh tra này để lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Trần Đức