1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ tại Hà Tĩnh là “việc nhỏ”?

(Dân trí) - Ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, trong buổi làm việc tại trụ sở báo Dân trí đã nhiều lần nói đại ý như vậy. Không chỉ riêng ông Sinh, “đoàn công tác đặc biệt” gồm 4 quan chức của UBND tỉnh Hà Tĩnh biệt phái ra Hà Nội làm việc với các cơ quan báo chí cùng thể hiện quan điểm: “Không có chuyện xà xẻo, chuyện nhỏ thôi mà”!

Đoàn công cán của UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội làm việc với các cơ quan báo chí trung ương trong mấy ngày qua bao gồm: Ông Nguyễn Thiện, Trưởng ban Tuyên giáo, nhà văn Đức Ban, Giám đốc Sở VH-TT, ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh - Trưởng đoàn thanh tra vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ với bản Kết luận thanh tra gây bất bình dư luận, và ông Phan Cao Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn.

 

Chánh thanh tra: Không phải là không có xà xẻo chút nào, nhưng…

 

Theo số liệu “chính thống” như tuyên bố của ông Chánh thanh tra Thái Sinh, sau trận lũ quét năm 2002 tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, địa phương đã nhận được nguồn tiền, hàng cứu trợ bao gồm: 25,403 tỷ đồng, 1.170 tấn gạo và nhiều hàng hóa khác quy thành tiền là 572,6 triệu đồng.

 

Trong khi hầu hết người dân Hương Sơn không hề biết gì về khoản tiền trợ cấp và khắc phục hậu quả lũ quét khổng lồ như công bố trên được sử dụng như thế nào thì Thanh tra tỉnh hùng hồn khen ngợi “ưu điểm” của huyện: “Huyện Hương Sơn đã tổ chức tiếp nhận nguồn cứu trợ kịp thời, đầy đủ, báo cáo quyết toán công khai”!

 

Tại buổi làm việc trực tiếp với báo Dân trí, ông Thái Sinh còn hùng hồn tuyên bố: “Các báo đưa tin sai sự thật, không có việc xà xẻo nguồn cứu trợ lũ quét 24,4 tỷ đồng”.

 

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Tổng biên tập báo Khuyến học & Dân trí, đặt câu hỏi: “Theo ông Chánh thanh tra thì số tiền 24,4 tỷ đồng này không bị xà xẻo chút nào?”

 

Ông Thái Sinh: “Không phải là không bị xà xẻo chút nào hết nhưng mà…” (!?)

 

Vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ tại Hà Tĩnh là “việc nhỏ”? - 1
Đại diện báo Dân trí (phải) làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

 

Để lý giải cho từ “nhưng mà…”, ông Sinh tiếp tục: “Nguồn cứu trợ cơ bản được quản lý, sử dụng tốt, có hiệu quả, góp hần đảm bảo ổn định đời sống dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng. Không có việc bớt xén, xà xẻo nguồn cứu trợ lũ quét” (!?)

 

Thế nhưng, khi báo cáo về những vi phạm trong quản lý sử dụng nguồn cứu trợ, ông Sinh lại cho rằng: có sai phạm trong việc sử dụng nguồn tiền này, đó là sai phạm trong phân bổ sai mục đích nhiều khoản từ nguồn tiền, hàng cứu trợ.

 

Cụ thể, huyện Hương Sơn đã phân bổ không đúng mục đích 1 tỷ đồng để đền bù GPMB đường công vụ nối 2 đầu đường Hồ Chí Minh. Đến tháng 11/2003, khi cơ quan Cảnh sát kinh tế vào cuộc khoản tiền chi sai mục đích này mới được phát hiện.

 

Huyện cấp phát sai mục đích 20 tấn gạo, bao gồm 10 tấn để trục vớt cầu Tràn cấp về thị trấn Phố Châu, UBND thị trấn đã bán gạo ngay sau khi được cấp, đến năm 2005 mới báo cáo huyện. 10 tấn khác được huyện Hương Sơn cấp cho Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện, xí nghiệp này đã bán chi tiêu ngoài sổ sách.

 

Thực tế hậu quả của trận lũ quét năm 2002 hết sức nặng nề. Sau trận lũ quét, hàng vạn hộ dân bị mất trắng hoa màu, nhiều hộ mất sạch nhà cửa, trâu, bò, hươu và các vật nuôi khác cùng của cải bị trôi sạch. Trong khi số tiền, gạo cứu trợ này đáng lẽ ra sẽ được cấp phát đến tay họ nhiều hơn thì chính các quan chức cấp huyện, cấp xã đã tự ý chia chác, bán gạo lấy tiền chi tiêu ngoài sổ sách.

 

Những sai phạm nêu trên, ông Thái Sinh chắc chắn biết, tuy nhiên, theo giải trình của ông Sinh với báo Dân trí, những sai phạm đó về cơ bản “không có vấn đề gì”, “không nghiêm trọng như báo nêu” và “không xử lý hình sự”.

 

Bí thư tỉnh ủy: Có sai phạm trong quản lý!

 

Cũng trong ngày hôm qua, ông Trần Đình Đàn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã có buổi làm việc, giải trình những nội dung liên quan đến vụ “xà xẻo” tiền, hàng cứu trợ tại Hương Sơn với Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Phạm Thế Duyệt.

 

Tại cuộc làm việc, Bí thư Trần Đình Đàn đã thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm trong quản lý nguồn cứu trợ. Trong đó, tổng số tiền cứu trợ chi sai mục đích ở 7 xã vừa được thanh tra là 319,12 triệu đồng và 5 tấn gạo. Ngoài ra, UBND huyện còn quyết toán chi ngân sách huyện về nguồn cứu trợ khắc phục lũ quét 19,7 tỉ đồng trên tổng số 24,4 tỉ đồng trong khi thực tế kinh phí cấp về tại các đơn vị còn tồn dư chưa sử dụng là 1,4 tỉ đồng.

 

Cuộc làm việc giữa Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Phạm Thế Duyệt và đoàn của Tỉnh ủy Hà Tĩnh kéo dài hơn dự kiến, đến gần 7 giờ tối mới kết thúc. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt hoan nghênh thái độ nhìn thẳng vào sự thật của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Thế Duyệt đề nghị những cán bộ có trách nhiệm của lãnh đạo Hà Tĩnh cần nghiêm túc hơn khi nhận trách nhiệm về việc để xảy ra những thiếu sót trong việc sử dụng nguồn tiền cứu trợ cho đồng bào gặp nạn, vì nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính quyền đối với dân.

 

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, tỉnh phải xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm thì nhân dân mới tin tưởng vào thái độ cầu thị của chính quyền. Muốn để dân tin, tỉnh phải công khai kết quả xử lý đến tận cơ sở để họ được biết. Chủ tịch cũng cho rằng, những cán bộ có liên quan đến vụ việc này cần tự giác nhận trách nhiệm, biết sai mà chịu sửa còn hơn cố tình né tránh. Né tránh nhân dân, né tránh dư luận chỉ tạo ra dư luận xấu mà thôi.

 

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin liên quan đến vụ việc này.

 

T.Đ - C.T