Chủ tịch Quốc hội: Yêu cầu với 7 dự luật là "sản phẩm đầu tay" khóa mới
(Dân trí) - 7 dự luật sẽ lần lượt được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các phiên họp trong tháng 8 và 9 tới đây, để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Thường trực của một số UB của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra 7 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).
7 dự án Luật bao gồm: Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Cảnh sát Cơ động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung Phụ lục- Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đây là các dự án Luật sẽ lần lượt được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các phiên họp trong tháng 8 và 9 tới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu chuẩn bị các dự án luật qua nhiều vòng, tính toán tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn thảo, để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp. 7 dự án luật này sẽ là các "sản phẩm đầu tay" của Quốc hội khóa mới, cần tập trung trí tuệ, tích cực hơn nữa để đảm bảo "đầu xuôi, đuôi lọt".
Chủ tịch Quốc hội định hướng, cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo Luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.
Đối với dự án Luật thi đua khen thưởng, ông Huệ lưu ý, UB Xã hội bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng để bổ sung các quy định cho dự án Luật. Khẳng định thi đua, khen thưởng mà đúng và trúng sẽ tạo ra động lực rất lớn cho mỗi cá nhân, tập thể, góp phần lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.
UB Xã hội cũng cần xem xét việc cần thiết để điều chỉnh công tác khen thưởng của khối các hiệp hội, ngành nghề để tránh xảy ra tiêu cực; coi trọng khen thưởng của Nhà nước đối với lực lượng trực tiếp sản xuất và đội ngũ doanh nhân; bảo đảm khen thưởng kịp thời chứ không phải mang tính tích lũy thành tích; làm rõ tiêu chí của thi đua, khen thưởng để làm cơ sở cho chính sách chi lương mới; khắc phục tình trạng chạy danh hiệu thi đua.
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội gợi ý, phải nhìn nhận ở 2 góc độ: Là một loại hình văn học nghệ thuật và cũng là một ngành kinh tế, do vậy dự án Luật coi trọng giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và gắn với các yếu tố của một ngành "công nghiệp" văn hóa; coi trọng hơn nữa hội nhập quốc tế; xem xét các quy định cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong bối cảnh công nghệ thông tin, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ,...
Với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với Hồ sơ dự án, nhưng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, báo cáo đánh giá kỹ hơn về kinh nghiệm quốc tế, rà soát quy định liên quan ở các luật khác, nhất là các tác động tới kinh tế, xã hội.
Trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung theo đúng cam kết, không mở rộng nội dung khác khi chưa có dự kiến, đánh giá đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), lãnh đạo Quốc hội yêu cầu đánh giá tác động từ nhiều phía, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm là cần thiết, nhưng nếu bảo vệ quá mức cần thiết thì lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Rà soát các quy định cho phù hợp với yêu cầu hiện nay cũng như thông lệ quốc tế như điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ…
Đối với dự án Luật sửa đổi bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến sẽ thảo luận thông qua theo quy trình một kỳ họp. Mục tiêu sửa luật không chỉ là chỉnh vấn đề về chỉ tiêu thống kê mà cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh, xác định rõ các vấn đề liên quan tới nội hàm các chỉ tiêu thống kê với các cách tính cụ thể để sửa tổng thể, góp phần minh bạch hóa phương pháp tính toán số liệu thống kê.
Đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ là một luật khó với những cam kết liên quan đến quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 3 yêu cầu lớn: Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ; rà soát bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng để luật mang tính khả thi cao.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các vấn đề chưa rõ thì không được đóng khung vào luật mà phải giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định thực hiện nhằm đảm bảo thích ứng với thực tiễn; các Ủy ban phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức góp ý cho các báo xây dựng Luật, có phương án họp phiên toàn thể của các UB, bảo đảm an toàn phòng dịch góp ý dự án luật.