Chủ tịch Quốc hội: Tiêu chí nào để sắp xếp TP Thủ Đức?
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm hiệu quả và tiêu chí nào để sắp xếp TP Thủ Đức. Trước đây là 1 tách thành 3, bây giờ 3 lại nhập lại 1, nó là loại gì trong tổ chức đơn vị hành chính?
Góp ý cho dự thảo báo cáo giám sát thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, ngày 12/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần đánh giá kỹ hơn kết quả giám sát, xem so với mục tiêu thì có đạt được không; cuối cùng là kinh phí tiết kiệm được bao nhiêu.
"Trong 3 năm sắp xếp như vậy thì kinh phí thực tế ngân sách tiết kiệm được bao nhiêu, bao nhiêu là chi thường xuyên, bao nhiêu là chi đầu tư? Trong số liệu có hết rồi nhưng tôi chưa thấy đậm mấy việc cụ thể và mục tiêu sắp xếp"- Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Hơn nữa phải làm rõ sau khi sắp xếp thì các chỉ tiêu đo lường đánh giá, 4 chỉ tiêu như PAPI, INDEX, PCI và các chỉ số khác đối với lĩnh vực này, từ xã liên quan đến tỉnh, đến huyện ra sao?
Đối với những tỉnh miền núi như Cao Bằng thì hiện nay các thiết chế về văn hóa và giáo dục có đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân không, hay phải mở thêm điểm trường, mở thêm điểm y tế xã, trong khi bao nhiêu trụ sở, tài sản đang bỏ không sử dụng được, phải bỏ thêm tiền để làm mới là bao nhiêu?
"Chỗ này cần phải làm đủ rõ hơn, nhất là trong dự thảo Nghị quyết thì phải làm đủ rõ hơn, mặc dù các đồng chí đã làm rất công phu rồi. Và đến nay người dân đánh giá về việc này như thế nào, nhất là những tỉnh, những huyện miền núi, biên giới, hải đảo?"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) mà ông đã đi khai giảng vừa qua, có diện tích 2.800km2, trong khi cả tỉnh Bắc Ninh chỉ 600km2, bây giờ sáp nhập như thế thì việc phục vụ người dân như thế nào, cung cấp các dịch vụ công cho người dân như y tế, giáo dục, các thiết chế khác cụ thể ra sao? Việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các tỉnh miền núi, biên giới, đất liền,... và bài học gì rút ra cho giai đoạn sau này?
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề về sắp xếp đô thị. "Chúng ta nhập cả một huyện Hoành Bồ lớn như thế vào thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Rất nhiều địa phương thành lập thêm các thị xã, thị trấn, xã, phường, xã lên phường, xã thành thị trấn, huyện thành thị xã rất nhiều. Trong báo cáo có nêu là sau khi sắp xếp chưa đạt được 50% chất lượng và tiêu chí đô thị. Ở đây việc này đánh giá như thế nào và giai đoạn sau chúng ta làm việc này ra sao, tôi đề nghị chúng ta cũng phải làm rõ hơn"- ông Huệ nêu yêu cầu.
Các địa phương miền núi như Thanh Hóa, Hòa Bình sáp nhập, thành lập rất nhiều các đơn vị hành chính như thế thì đợt tới có làm nữa hay không, hay nên có quy trình riêng?
"Đề nghị các đồng chí làm rõ thêm hiệu quả và tiêu chí nào để sắp xếp thành phố Thủ Đức. Bây giờ TPHCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho Thủ Đức và Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Những việc này căn cứ vào pháp luật và tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào?
Khi chúng ta ban hành nghị quyết về thành lập thành phố Thủ Đức có nói rằng đây cũng như cấp quận thôi. Tôi nhớ ý hôm đó Quốc hội khóa trước thảo luận còn nói rằng là lớn hơn quận và nhỏ hơn thành phố. Trước đây là 1 tách thành 3, bây giờ 3 lại nhập lại 1, nó là loại gì trong tổ chức đơn vị hành chính của chúng ta?"- Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Ông cho biết, tại buổi làm việc với TPHCM mới đây, thành phố đã đề nghị rất chính đáng về việc nghiên cứu cơ chế, chính sách hay cho Thủ Đức. "Tới đây còn có mô hình là thành phố thuộc thành phố nữa thì nghị quyết giám sát lần này có làm rõ nội dung này hay không, hay là vẫn để ngỏ nội dung này. Tôi thấy cũng đang có những băn khoăn"- ông Huệ phân tích.
Bộ Nội vụ không nhận được một đơn thư nào
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Nghị quyết 37 nêu rất rõ, trong giai đoạn đến năm 2021 thì sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đồng thời có hai tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên dưới 50%, chưa đạt 50% và khuyến khích những đơn vị hành chính sắp xếp.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng có chữ "khuyến khích". Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt vấn đề "khuyến khích" để giảm đơn vị hành chính, sáp nhập, hợp nhất.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng, tổng số đơn vị hành chính đã giảm hơn 20%, đơn vị sự nghiệp giảm 13%, biên chế giảm đến 20,5% kể cả hưởng lương và phụ cấp.
"Đợt này chúng ta làm tổng thể rất nhiều việc, sắp xếp tổ chức bộ máy dẫn đến tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ và hiệu lực, hiệu quả. Đây là kết quả rất tích cực"- ông Thăng nói và thông tin đã tiết kiệm được trên 2.008 tỷ đồng.
Về các vấn đề liên quan đến phục vụ nhân dân, thiết chế văn hóa, giáo dục và các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, ông Nguyễn Duy Thăng thừa nhận báo cáo chưa nêu. "Nhưng tinh thần chung qua giám sát, qua báo cáo và theo dõi của Bộ Nội vụ thì cơ bản nhân dân đồng tình. Bộ Nội vụ không nhận được một đơn thư hay cái gì liên quan đến vấn đề này. Các thiết chế giáo dục, y tế phải đảm bảo sắp xếp phù hợp"- ông nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin vừa qua có 4 đơn vị cấp huyện được "khuyến khích" là huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và 3 quận của TPHCM để thành lập thành phố Thủ Đức.
Trả lời Chủ tịch Quốc hội về tiêu chí để sắp xếp thành phố Thủ Đức và cơ chế đặc thù như thế nào, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định Luật Tổ chức chính quyền địa phương có mô hình thành phố trong thành phố. "Đây cũng là một vấn đề để chúng ta theo mô hình mới như vậy, nhưng qua thực tiễn vừa rồi Bộ Nội vụ cũng có trao đổi với TPHCM thì đúng là năng lực đội ngũ của anh em, quản trị trên địa bàn này cần phải xem xét, cần phải tiếp tục củng cố"- ông Thăng cho hay.
Ngoài thành phố Thủ Đức, sắp tới Bộ Nội vụ cũng được giao xây dựng đề án để báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.
"Đợt trước làm việc với TPHCM tôi cũng nói rồi, đây rõ ràng là cấp huyện. Mình không thể nói đây là cấp tỉnh, nhưng có thể có những cơ chế như thế nào đó, phân cấp, phân quyền ra sao"- ông Thăng cho hay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ còn cho biết tại 3 thành phố đang thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng dân phường và quận, cũng cần phải xem xét khi sửa đổi toàn diện Nghị định 34 của Chính phủ.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua 3 năm sắp xếp tại 45 tỉnh, thành phố, cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã.
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện được bố trí là 1.705; dôi dư 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp là 10.712; dôi dư 9.705 người.