"Việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã thành công tốt đẹp"
(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019-2021 vừa qua.
Sáng 12/9, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thường kỳ lần thứ 15.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên họp dự kiến diễn ra trong khoảng 4 ngày tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính.
Nhóm vấn đề thứ nhất là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 gồm: Kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của TAND tối cao, VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.
Cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao VKSND tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét các vấn đề theo thẩm quyền. Trong đó sẽ tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với 2 chuyên đề là "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021" và "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021".
Liên quan đến công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật sau phiên họp thường kỳ này để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án luật và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp.
Ngoài ra sẽ xem xét bằng văn bản để cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021 và Nghị quyết số 24/2022 về việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động.
Sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ
Ngay sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để xây dựng phương án, đề án sắp xếp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã.
Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
"Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. Sau khi sắp xếp, diện tích toàn đô thị và quy mô dân số đô thị tăng lên so với trước"- ông Tùng thông tin.
Đến tháng 8/2022, có 43/45 tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai công tác lập mới, chỉnh lý bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp có liên quan theo quy định, còn 2/45 tỉnh chưa triển khai thực hiện (gồm Kiên Giang và Vĩnh Long)…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua.
"Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững"- ông Tùng nhận định.
Dù vậy, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.
Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế….
Đoàn giám sát kiến nghị 03 nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn giai đoạn 2019 - 2021 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho giai đoạn 2022 - 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị 3 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, nhóm giải pháp tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.
Thứ hai, nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022- 2030. Nghiên cứu, ban hành mới Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030 để làm cơ sở tiếp tục triển khai việc sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn mới.
Thứ ba, nhóm giải pháp về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030.
"Việc sắp xếp phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động..."- ông Tùng nói.