Bộ trưởng Nội vụ: Sắp xếp đơn vị hành chính là việc rất phức tạp

Phùng Minh

(Dân trí) - "Chúng ta phải thừa nhận một điều là việc sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới và thật sự rất khó, cũng rất phức tạp"- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Tại phiên họp thường kỳ lần thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định thống nhất rất cao với dự thảo Báo cáo giám sát về thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021.

"Chúng ta phải thừa nhận một điều là việc sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới và thật sự rất khó, cũng rất phức tạp. Bởi vì, trong lịch sử của chúng ta thì suốt một giai đoạn trước đó, 30 năm từ 1986 đến 2015, hầu như các địa phương từ trung ương cho đến các địa phương chỉ thực hiện việc chia tách"- bà Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ: Sắp xếp đơn vị hành chính là việc rất phức tạp - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Bà dẫn chứng trong 30 năm, từ 38 tỉnh đã tăng lên 63 tỉnh và từ 530 đơn vị cấp huyện đã tăng lên 713 đơn vị; ở cấp xã từ 9.657 đơn vị hành chính tăng lên tới 11.162 đơn vị.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, với quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nên quá trình sắp xếp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thuận lợi.

Dù vậy, bà Trà cũng thừa nhận khó khăn và thách thức không nhỏ. "Khó khăn lớn nhất của chúng ta đó chính là làm sao giải phóng được tư tưởng để tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, trong công chức, viên chức, trong các tầng lớp nhân dân. Đây là một bài toán khó nhất. Nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt thì chắc là chúng ta không có thể thực hiện được như kết quả của báo cáo giám sát này"- bà Trà nói.

Sau khi sắp xếp đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; đã giảm được gần 450 cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện và 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã.

Tương ứng, giảm 12% biên chế công chức cấp huyện, giảm 32,6% biên chế công chức của cấp xã và giảm 56,4 số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

"Chúng ta giảm được chi ngân sách nhà nước khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Sau sắp xếp, cái quý nhất đó là tình hình chung rất ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì và có những chuyển biến, chúng ta tập trung được nguồn lực và chúng ta tập trung tạo được những điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương"- Bộ trưởng Nội vụ thông tin với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030, trước mắt là giai đoạn 2022-2025, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng "đang đòi hỏi một cách hết sức khẩn trương".

Vì thế, bà rất mong muốn sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Nghị quyết về kết quả giám sát và có Nghị quyết về việc định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2022-2030.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định và theo đó là những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trình bày chương trình giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua.

"Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững"- ông Tùng nhận định.