Chủ tịch Quốc hội: "Làm sao để người dân thấy đoàn giám sát đến là mừng"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc giám sát phải trúng, có trọng tâm, trọng điểm, làm sao đối tượng được giám sát "thực sự tâm phục, khẩu phục".

Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần đầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 38, sáng 7/10.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết dự thảo luật bổ sung nhiều điều khoản để quy định về tiêu chí lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, HĐND; chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội cũng như của HĐND…

Từ phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến đề nghị cân nhắc việc luật hóa, bảo đảm bám sát quan điểm xây dựng luật, đồng thời tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm đã đủ rõ, có sự đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội: Làm sao để người dân thấy đoàn giám sát đến là mừng - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Hồng Phong).

"Các tiêu chí hiện được quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản phù hợp, tuy nhiên vẫn có trường hợp áp dụng khác để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc luật hóa có thể sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật", ông Tùng nói.

Cho biết sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các diễn đàn về hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng từ các diễn đàn này sẽ đúc kết các kinh nghiệm để điều chỉnh công tác giám sát, lập pháp của Quốc hội, HĐND.

Ông Mẫn lưu ý việc giám sát phải trúng, có trọng tâm, trọng điểm, là những vấn đề Đảng, cử tri, nhân dân đặt ra cho Quốc hội. Yêu cầu quan trọng nhất đối với việc giám sát là phải làm sao đối tượng được giám sát "thực sự tâm phục, khẩu phục", theo lời Chủ tịch Quốc hội.

"Làm sao người ta thấy đoàn giám sát đến là mừng, là vui vì đoàn giám sát sẽ chỉ ra cái mạnh, hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới", ông Mẫn nói.

Ông nhắc lại thời điểm công tác ở địa phương, mỗi khi thấy đoàn thanh tra, kiểm toán, các đoàn của Trung ương đến địa phương làm việc đều rất mừng vì đoàn giúp cho địa phương trong khi địa phương không có thời gian để kiểm tra hết các lĩnh vực.

Nhấn mạnh yêu cầu về "hậu giám sát", ông Mẫn nói đây là nội dung rất quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội: Làm sao để người dân thấy đoàn giám sát đến là mừng - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý công tác giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm (Ảnh: Hồng Phong).

"Khi đoàn giám sát rút ra những đề xuất, kiến nghị thì ai làm, thực hiện như thế nào, bao giờ xong là phải có địa chỉ, có thời gian nhất định để giám sát. Có như thế mới xứng đáng công sức bỏ ra đi làm, viết báo cáo, tổng hợp, phân tích, đánh giá, rút ra kiến nghị với các cơ quan", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng lưu ý giám sát của Quốc hội, HĐND không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát và làm rõ tiêu chí chọn nội dung giải trình, chất vấn, các chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND.

Nhắc đến phương thức chất vấn, trả lời chất vấn trong giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế nhiều bộ trưởng thấy lo khi bị chất vấn nhiều, song theo ông, đây là vinh dự lớn vì qua đó có thể trả lời, làm cho cử tri hiểu rõ hơn về ngành, lĩnh vực mình quản lý.