1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Chủ tịch phường kiến nghị mở "sàn giao dịch công chức"

Quốc Anh

(Dân trí) - Mấy năm không tổ chức thi tuyển công chức nên nhiều phường tại TPHCM thiếu cán bộ, áp lực công việc lớn. Một chủ tịch phường kiến nghị mở "sàn giao dịch công chức" để giải quyết bài toán cung - cầu.

Nhiều năm không thi tuyển công chức cấp xã nên thiếu cán bộ

Ngày 26/2, hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TPHCM với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ghi nhận nhiều kiến nghị để tăng cán bộ, công chức, người lao động không chuyên trách đáp ứng nhu cầu công việc cấp cơ sở.

Chủ tịch phường kiến nghị mở sàn giao dịch công chức - 1

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, riêng thành phố Thủ Đức sắp xếp theo chuẩn thì dôi dư đến 654 cán bộ

Bà Phan Thị Mỹ Khuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) cho biết, thực hiện Nghị định 34/2019 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì huyện Bình Chánh chỉ còn 224 cán bộ không chuyên trách, giảm 157 người so với trước đây (giảm 41%).

Theo bà Khuyên, vì thiếu cán bộ nên những xã có dân cư đông gặp khó khăn trong quản lý Nhà nước, nhất là về đất đai, xây dựng như: xã Vĩnh Lộc A (127.000 người), Vĩnh Lộc B (129.000 người), Bình Hưng (101.000 người), Tân Kiên (60.000 người).

Vì vậy, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Trung ương cho chủ trương đánh giá quy mô dân số các xã đông dân cư để chia tách địa giới hành chính.

"Nếu chưa có chủ trương thì xem xét, bố trí tăng cường công chức cấp xã, trên 15.000 dân thì tăng thêm 1 công chức để đảm bảo hoạt động", bà Khuyên nói.

Trong thời gian chờ đợi, bà mong muốn thành phố phân bổ kinh phí, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện hợp đồng thời vụ để có người hỗ trợ công việc cấp xã vì khối lượng công việc rất lớn.

Tương tự, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND phường 5 (quận Tân Bình) cho biết, Nghị định 34 và Nghị quyết 06 của HĐND TPHCM quy định phường, xã, thị trấn có người hoạt động không chuyên trách là 14 người.

"Thực tiễn công việc cho thấy rất khó cho các phường có dân số đông có thể thực hiện các nhiệm vụ của địa phương", ông Tiến nói.

Từ đó, Chủ tịch phường 5 đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều chỉnh số lượng người hoạt động không chuyên trách ở các phường, xã, thị trấn theo số dân chứ không tính bình quân. Có thể từ 25.000 dân thì tăng thêm cán bộ.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 (quận Gò Vấp) cũng kiến nghị về lâu dài, TPHCM cần đề xuất để không còn người hoạt động không chuyên trách.

"Vì mang tiếng là không chuyên trách nhưng thực ra làm việc không khác gì công chức với khối lượng công việc tương đương hoặc nhiều hơn. Chính vì không chuyên trách nên ảnh hưởng đến chế độ, nhất là các chị đến kỳ nghỉ thai sản cũng không được đóng bảo hiểm. Nói chung có nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến người lao động không chuyên trách", ông Dũng nói.

Cũng đề cập đến vấn đề thi tuyển công chức, bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), cho rằng đến nay đã hơn 4 năm thành phố chưa tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn. Việc thiếu cán bộ phường khiến cho phường gặp rất nhiều khó khăn.

"Hiện nay đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn đang thiếu. Tôi kiến nghị sớm có chỉ đạo thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn", bà Hạnh nói.

Chủ tịch phường kiến nghị mở sàn giao dịch công chức - 2

Ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) đề xuất mở "sàn giao dich công chức"

Gặp khó khăn tương tự, ông Phan Đình An, Chủ tịch UBND phường 6 (quận Gò Vấp) cho biết phường thiếu 4-5 công chức mà 4 năm nay không thi, hoặc tuyển dụng.

Vì vậy, ông kiến nghị thành phố, nếu được thì mở "sàn giao dịch công chức", bởi hiện nay có đơn vị dư công chức và bản thân công chức cũng muốn chuyển nhưng cung - cầu không gặp nhau.

"Nếu có sàn giao dịch, trao đổi công chức thì ai có nhu cầu thì đăng ký trực tuyến lên đó, thông tin được giữ bí mật. Đơn vị nào muốn tuyển thì cũng đăng lên đó. Cung - cầu gặp nhau thì điều phối được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu công chức", ông An nói.

Không có cơ sở kiến nghị tăng công chức phường

Trả lời ý kiến các Chủ tịch phường, Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho biết, hiện nay biên chế công chức tại thành phố vượt xa so với biên chế công chức Bộ Nội vụ giao.

Từ năm 2017 về trước, thi tuyển công chức tại TPHCM do TPHCM tổ chức. Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ năm 2018, thi công chức cấp xã, theo luật là thẩm quyền, trách nhiệm của UBND quận, huyện.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP và ban hành quyết định 23 ngày 4/9/2020, quy định rõ thẩm quyền của quận, huyện trong tổ chức thi tuyển công chức cấp xã. Do đó, Sở đề nghị các quận, huyện căn cứ Quyết định 23 thực hiện theo thẩm quyền.

Chủ tịch phường kiến nghị mở sàn giao dịch công chức - 3

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết sẽ tổng hợp ý kiến, bất cập, hiện trạng thành phố và phường, xã, thị trấn để tiếp tục kiến nghị liên quan đến tăng cán bộ cho phường

Liên quan đến số lượng công chức phường, người hoạt động không chuyên trách, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết UBND TPHCM nhiều lần kiến nghị Trung ương.

Mới đây, Bộ Nội vụ trả lời TPHCM và một số tỉnh, thành rằng tiêu chí về quy mô dân số không phải là tiêu chí quy định sắp xếp phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Trên cơ sở đó cũng không lấy tiêu chí đó để phân bổ số lượng công chức, cán bộ chuyên trách và không chuyên trách. Do đó, không có cơ sở trình Thủ tướng xem xét.

"Công việc xã, phường, thị trấn hầu như ai cũng hiểu rất nhiều, từ đó xuống khu phố cán bộ không chuyên trách đầu việc cũng rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhưng quy định như thế thì cũng rất khó. Trong quá trình thực hiện sẽ tổng hợp ý kiến, bất cập, hiện trạng thành phố và phường, xã, thị trấn để tiếp tục kiến nghị", ông Nhân nói.

Thành phố Thủ Đức dôi dư 654 cán bộ

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, theo thống kê chính thức thì TPHCM có 9 triệu dân nhưng thực tế số người sinh sống, làm việc trên địa bàn là 13 triệu nên khối lượng công việc của công chức phường rất lớn.

"Mỗi cán bộ công chức phường, xã, thị trấn phải biết xem mình là công bộc của dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc cải cách hành chính ở địa phương", ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông, khi thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức, đặt ra thách thức là cán bộ dôi dư nhiều. Riêng thành phố Thủ Đức sắp xếp theo chuẩn thì dôi dư đến 654 người. Theo nguyên tắc, trước mắt nhập cơ học và có 60 tháng để sắp xếp, bố trí lại.

"Tôi đề nghị các đồng chí nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức mình quản lý để sắp xếp lại phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi mọi trường hợp như lời Bí thư Thành ủy là không để cán bộ, người dân nào chịu thiệt bị ảnh hưởng trong giai đoạn hình thành thành phố Thủ Đức", ông Phong nhấn mạnh.