Chủ tịch nước: Sau bất cập xăng, chứng khoán, TPHCM cần trấn an thị trường
(Dân trí) - Chủ tịch nước lưu ý TPHCM cần quan tâm đến việc trấn an người dân, doanh nghiệp sau những bất ổn của thị trường xăng, dầu, chứng khoán. Điều này rất quan trọng đối với một siêu đô thị như TPHCM.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cấp chính quyền và các đại biểu Quốc hội tại buổi làm việc chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã góp ý, định hướng cho TPHCM nhiều nội dung cần tập trung trong thời gian tới. Trong bài phát biểu kéo dài 40 phút, người đứng đầu Nhà nước đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập mà thành phố cần tìm giải pháp để cải thiện tình hình.
Một trong những nội dung được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập là mức độ an tâm của người dân sau những vụ việc lớn, được dư luận quan tâm diễn ra thời gian qua. Trong đó, những bất cập về tình hình xăng, dầu, chứng khoán là điều TPHCM cần đặc biệt lưu ý.
"Nhiều nhà lão thành, nhà nghiên cứu rất lo lắng tới tình hình người dân thời gian gần đây. Chứng khoán tụt xuống rất nhanh, nhiều người mất tiền bạc, hoang mang, xăng dầu thiếu. Vấn đề trấn an thị trường rất quan trọng, đặc biệt là đối với một siêu đô thị đông dân như TPHCM", Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tại TPHCM cần chú trọng đến việc này, không để tình hình xấu hơn diễn ra. Đối với vấn đề xăng, dầu, người đứng đầu Nhà nước cho rằng, các cơ quan cần nghiên cứu sát hơn một số vấn đề, trong đó có chiết khấu cho các doanh nghiệp.
"Sau một số vụ việc xảy ra, người dân, doanh nghiệp đã an tâm chưa?", Chủ tịch nước đặt câu hỏi và tiếp tục nhấn mạnh, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, trấn an thị trường là rất quan trọng.
Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ, TPHCM đang gặp phải nhiều thách thức, vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng của thành phố đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần. Trong giai đoạn 1996 - 2010, kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước; giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng chỉ còn hơn 8% và giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ chỉ còn hơn 6,4%/năm.
Qua lời của các đại biểu, Chủ tịch nước nêu lại những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm ấy đến từ việc hạ tầng của TPHCM ngày càng bất cập so với yêu cầu giai đoạn mới, công tác quy hoạch chậm, giao thông quá tải. Thành phổ cũng có chương trình không thành công như vấn đề nhà ở ven kênh, rạch, giảm sụt lún địa tầng, chống ngập nước, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố không đạt mục tiêu đề ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế còn hạn chế. Do đó, địa phương chưa có đột phá trong ứng dụng công nghệ, chưa thu hút nhiều tập đoàn lớn và chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"TPHCM còn có điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, ách tắc trong triển khai dự án. Chỉ số cạnh tranh địa phương PCI của thành phố vẫn ở mức 14, 15/63 tỉnh, thành, hầu như không có nhiều tiến bộ những năm qua. Quá nhiều công trình, dự án bị chậm, nhất là các dự án bất động sản, dự án dùng vốn đầu tư công", Chủ tịch nước điểm lại.
Qua 2 buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hóc Môn, Củ Chi, vị đại biểu Quốc hội đặc biệt của TPHCM đã ghi nhận cảnh dự án, quy hoạch treo, kéo dài rất nhiều năm khiến người dân bức xúc. Do đó, thành phố cần tập trung quyết liệt làm sớm vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, nền công vụ địa phương của TPHCM đã xuất hiện nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ phát triển. Đây là điều cần thẳng thắn chỉ rõ nhằm đưa ra giải pháp trúng, đúng và kịp thời.
"Cần rà lại trách nhiệm từng người trong tình hình mới. Chúng ta làm chặt chẽ, đúng pháp luật nhưng hồ sơ thường ngâm rất lâu, có những hồ sơ phải ngâm 2 - 3 năm là bình thường", Chủ tịch nước đề nghị TPHCM sớm khắc phục.
Đánh giá về quá trình phát triển của TPHCM thời gian qua, Chủ tịch nước nhận định, Đảng bộ, chính quyền, người dân thành phố đã có quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, thách thức sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhiều ngành tăng trưởng âm trong năm trước đã được phục hồi, bứt phá.
TPHCM cũng có nhiều biện pháp để hỗ trợ an sinh xã hội, đời sống người dân kịp thời trong những thời điểm khó khăn nhất. Những sai phạm, vụ việc nổi cộm, tồn đọng kéo dài đã được địa phương thể hiện rõ quyết tâm xử lý.