Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam và Đức có "tài sản chung vô giá"

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Việt Nam và Đức có tài sản chung vô giá, đó là 100.000 người đã từng học tập, lao động tại Đức, biết tiếng Đức và cộng đồng gần 200.000 người Việt Nam tại Đức" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngày 24/9 (giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Đây là một trong các hoạt động quan trọng trong chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại New York, Mỹ. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam và Đức có tài sản chung vô giá - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (Ảnh: TTXVN).

Hai nhà lãnh đạo vui mừng gặp lại nhau ngay trước thềm kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức (11/10/2011 - 11/10/2021) và nhận thấy trong hơn 45 năm qua, mối quan hệ gần gũi và tin cậy giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Đức đã hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam bằng cả hình thức trực tiếp và qua cơ chế COVAX cũng như nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống Covid-19. Đây là một cử chỉ cao đẹp, minh chứng cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng và hiệu quả giữa hai nước, khắc sâu tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Để khắc phục những khó khăn do Covid-19 gây ra, tiếp tục thúc đẩy quan hệ, hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và khai phá những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác to lớn, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, chế tạo máy, logistics...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam và Đức có tài sản chung vô giá - 2

Cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Đức (Ảnh: TTXVN).

Chủ tịch nước chia sẻ, Việt Nam và Đức có một tài sản chung vô giá, đó là 100.000 người đã từng học tập, lao động tại Đức, biết tiếng Đức và cộng đồng gần 200.000 người Việt Nam tại Đức. Đây là nhịp cầu hữu nghị đặc biệt, góp phần thắt chặt quan hệ hai nước. Chủ tịch nước  Nhà nước và Chính phủ Đức tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng Việt Nam tại Đức sinh sống và làm ăn thuận lợi, hòa nhập sâu rộng vào xã hội Đức.  

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục phối chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, qua đó góp phần duy trì hòa bình, chống lại cường quyền, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế.