1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Kiên Giang nói gì sau khi Phú Quốc, Rạch Giá ngập sâu?

Bảo Trân

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nói tỉnh ở cạnh cửa sông, mực nước thấp nhưng lại để ngập là không được.

Ngày 18/7, tại buổi thảo luận trong Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng ngập úng đô thị xảy ra tại 2 thành phố lớn của tỉnh là Rạch Giá và Phú Quốc vào ngày 11/7, dù mực nước triều cường thấp.  

Giải đáp thắc mắc của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhận định từ đầu mùa mưa, tỉnh đã triển khai công tác phòng chống ngập úng. Để xảy ra ngập, ông Thành nói đó là trách nhiệm của từng địa phương. 

Chủ tịch Kiên Giang nói gì sau khi Phú Quốc, Rạch Giá ngập sâu? - 1

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: T.T).

Theo ông Thành, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng ngập lụt trên địa bàn do biến đổi khí hậu, hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, cũ, xuống cấp. 

Còn nguyên nhân chủ quan, theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang là do công tác quản lý quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa ở địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ. Rác thải che kín miệng hố ga, lấn chiếm thu hẹp bờ kênh, rạch thoát nước, gây cản trở dòng chảy…

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Thành chỉ đạo UBND TP Rạch Giá và UBND TP Phú Quốc khẩn trương rà soát, khơi thông cống rãnh, cải tạo ngay các đoạn, tuyến cống thường hay ngập cục bộ.

Đồng thời, ông Thành yêu cầu địa phương phối hợp Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải rà soát quy hoạch, hạ tầng thoát nước để xây dựng kế hoạch tổng thể. 

"Kiên Giang là tỉnh ở cạnh cửa sông, mực nước thấp như thế mà lại để ngập như vậy không được. Tỉnh ghi nhận và sẽ có đánh giá, rà soát lại mạng lưới chống ngập ở các đô thị kể cả nông thôn. Tôi đã chỉ đạo Rạch Giá, Phú Quốc sớm khắc phục vấn đề này, vì mùa mưa còn kéo dài, cường độ mưa ngày càng lớn", ông Thành nói và nhấn mạnh, nếu không khắc phục khả năng sẽ ngập sâu, gây ảnh hưởng đến công tác sản xuất, thiệt hại tài sản, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Nhận định mức độ ngập có thể gia tăng hơn trong trường hợp vận hành đóng cống, kết hợp triều cường, ông Thành cho biết UBND tỉnh Kiên Giang đã bố trí kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê ven sông ở hạ lưu cống Cái Lớn và Cái Bé. Việc này nhằm sớm giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ trong khu vực.

Chủ tịch Kiên Giang nói gì sau khi Phú Quốc, Rạch Giá ngập sâu? - 2

Phú Quốc sơ tán dân khỏi vùng ngập sâu sau cơn mưa lớn (Ảnh: Phương Vũ).

"Ngoài ra, tới đây tỉnh sẽ giao cho các ngành nghiên cứu giải pháp để phần hạ lưu bên ngoài cho bền vững, có giải pháp lâu dài để hàng năm không phải đắp đập", ông Thành nói. 

Cùng ngày, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Kiên Giang đã bế mạc. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp ngành, địa phương nghiêm túc và có biện pháp, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được UBND, HĐND thảo luận tại kỳ họp.

Cơn mưa lớn sáng 11/7 khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP Rạch Giá ngập như sông dù mực nước triều cường dâng rất thấp. Giao thông TP thời điểm đó bị tê liệt, người dân đi lại khó khăn.

Còn tại TP Phú Quốc, ngày 14/7, Công an TP này cũng đã huy động hơn 70 cán bộ chiến sĩ cùng trang thiết bị, phương tiện để phối hợp chính quyền địa phương sơ tán, cứu hộ người dân và tài sản bị ngập lụt đến nơi an toàn.