Kiên Giang:
Chủ tịch huyện Phú Quốc xin lỗi tài xế xe ôm vì ra văn bản "không chuẩn"
(Dân trí) - Nhận thấy văn bản chỉ đạo của mình có sai sót, ảnh hưởng đến uy tín công dân Nguyễn Văn Thương (ngụ tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - đã xin lỗi ông Thương và gia đình.
Năm 2005, ông Thương được người dân Phú Quốc biết đến là một công dân tích cực trong công tác chống tiêu cực trên huyện đảo này. Nổi bật là vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ sai phạm nghiêm trọng về đất đai xảy ra trên đảo Phú Quốc vào năm 2005.
Vụ việc này cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 11 đối tượng là cán bộ huyện Phú Quốc (trong đó có nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện; nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện; nguyên Trưởng phòng và Phó phòng Địa chính - giao thông - xây dựng)...
Trong vụ việc sai phạm nghiêm trọng này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang nhận thấy ông Thương có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng chống tội phạm nên đã tặng bằng khen cho ông Thương.
Sau khi nhận bằng khen chống tiêu cực, ông Thương tiếp tục hành nghề chạy xe ôm, sau đó ông đến làm việc tại một văn phòng luật sư trên địa bàn huyện Phú Quốc. Thời gian này ông Thương tiếp tục chống tiêu cực thông qua việc tư vấn pháp lý cho người dân, viết báo hoặc nhận ủy quyền từ người dân để khiếu nại, tranh tụng tại tòa...
Ông Thương cho biết, có thể từ việc ông giúp dân khiếu nại, tư vấn pháp lý, cộng tác với báo qua các bài viết chống tiêu cực... nên tháng 2/2012, UBND huyện Phú Quốc ra một công văn mà theo ông là "bôi nhọ danh dự của ông".
Cụ thể, công văn số 165/VP-NCPC do UBND huyện Phú Quốc ban hành vào 28/2/2012 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Đinh Khoa Toàn, khi đó là Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Quốc, giao công an huyện kiểm tra, nắm lại tình hình người dân Phú Quốc, có ai hợp đồng hoặc mướn ông Thương tư vấn viết bài cho báo chí, hoặc tư vấn pháp luật thì có biện pháp giáo dục dân biết việc làm đó là sai trái, lừa gạt.
Công văn còn yêu cầu xử lý ông Nguyễn Văn Thương theo pháp luật nếu có việc ông này thu tiền của dân; thông báo công khai để ngăn chặn hành vi lừa gạt. Làm việc với ông Thương, yêu cầu ông này trả danh thiếp, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, không lừa gạt dân nữa.
Công văn số 165 còn giao UBND thị trấn Dương Đông phối hợp với công an huyện tổ chức phổ biến nội dung văn bản trên tại tổ 9, khu phố 7 (nơi ông Thương cư trú); khu phố cần tăng cường giáo dục công dân thực hiện sống đúng pháp luật, không có hành vi gian dối, lừa gạt tương tự...
Văn bản 165 được ban hành nhiều năm nhưng ông Thương không hay biết. Cho đến mấy tháng gần đây, tình cờ ông Thương phát hiện nội dung văn bản trên. Cho rằng văn bản có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự mình, ông Thương đã làm đơn yêu cầu hủy bỏ.
Ông Thương cho rằng, ý kiến chỉ đạo của ông Đinh Khoa Toàn là bịa đặt, trái pháp luật và vu khống ông. Do không có cơ quan nào ở huyện Phú Quốc giải quyết, ông Thương đã tố cáo ông Đinh Khoa Toàn đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.
Theo biên bản làm việc ngày 8/11 vừa qua, ông Đinh Khoa Toàn - nay là Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho rằng nội dung văn bản số 165 là căn cứ theo sự chỉ đạo của ông Văn Hà Phong (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc). Nhưng sau đó ông Đinh Khoa Toàn đã đồng ý với đề nghị rút lại văn bản của ông Thương và có lời xin lỗi ông này cùng gia đình.
Ông Thương đồng ý rút đơn kiến nghị đã gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Chánh Văn phòng UBND huyện Phú Quốc - cho biết, sau khi Chủ tịch Đinh Khoa Toàn có buổi làm việc với ông Thương, Chủ tịch đã có chỉ đạo hủy công văn 165 và hiện Văn phòng đã thực hiện xong chỉ đạo này.
Hiện nay, ông Thương làm nghề tự do và nhận tư vấn pháp lý hoặc nhận ủy quyền của người khác để tham gia tranh tụng, tố tụng và khiếu kiện. Thỉnh thoảng ông Thương viết thông tin cộng tác với một số tờ báo.
Nguyễn Hành