1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch Hà Nội lên tiếng về quy định “xin phép” ghi hình cán bộ tiếp dân

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội đều đã được trang bị camera ghi âm và ghi hình. Vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và lập biên bản ghi nhận sự việc.

 

Chủ tịch Hà Nội lên tiếng về quy định “xin phép” ghi hình cán bộ tiếp dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành tài nguyên và môi trường sáng 8/1.

 

Bên lề hội nghị ngành tài nguyên và môi trường triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 sáng 8/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao đổi nhanh với báo chí xung quanh quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đang gây ồn ào dư luận.

Ông Chung khẳng định, Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

Tất cả các Phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều đã được trang bị camera ghi âm và ghi hình. Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc.

Trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Lý giải thêm về việc ban hành quy định trên, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định quy định này là để chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi làm việc, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Trước đó Dân trí phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND, trong đó nêu rõ việc công dân đến trụ sở tiếp công dân thành phố phải xuất trình giấy tờ tùy thân, có thái độ đúng mực, tôn trọng, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và nhân viên bảo vệ.

Trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 5 người trở lên) thì phải cử người đại diện để trình bày.

Đáng chú ý nhất là quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” ngay khi được báo chí đăng tải đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, quy chế không được quay phim, chụp ảnh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của người phụ trách trụ sở cũng đã được Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành từ lâu.

Điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết. Đồng thời, mục đích ghi âm, ghi hình của công dân là để phục vụ quá trình giải quyết công việc, tránh trường hợp gây ảnh hưởng tới cơ quan nhà nước và làm mất thời gian của các công dân khác.

Trong khi đó, nhiều độc giả của Dân trí bình luận dưới các bài viết thể hiện thái độ chưa đồng tình. Trong đó, độc giả Chau Ha cho rằng bên cạnh quy định nêu trên đối với công dân, cơ quan tiếp dân cần có camera ghi lại toàn bộ cuộc tiếp dân để làm cơ sở tư liệu cho việc giải quyết các khiếu nại một cách công bằng.

“Đồng thời quy định dữ liệu đó phải được lưu trong khoảng thời gian cụ thể khi cần và phải công khai nó với báo chí khi xử lý khiếu nại tố cáo. Việc làm này ở các nước không chỉ có lợi cho người dân mà đó cũng là biện pháp giám sát rất tốt về thái độ và trình độ của người tiếp công dân” - độc giả Chau Ha chia sẻ.

Còn độc giả Nguyễn Xuân Lâm thì thẳng thắn: “Chỉ có người làm sai mới sợ dân quay phim chụp ảnh ghi hình”. Độc giả Congaway và độc giả Trần Văn Cảnh bình luận: “Nếu cán bộ làm đúng thì đâu phải sợ người dân quay chứ?”.

 

Đa phần là khiếu kiện liên quan đến đất đai

Phát biểu tại hội nghị sáng 8/1, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai của người dân ở Thủ đô chiếm từ 78 - 84% khiếu kiện kéo dài. Tình trạng lấn chiếm đất công, đất rừng, đất nông nghiệp còn phức tạp, đặc biệt là lấn chiếm hành lang đê.

“Chúng tôi đã tiến hành số hóa toàn bộ dữ liệu về đất đai, ngoài 3 huyện làm thí điểm theo Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định hiện đã tổ chức đấu thầu và đang đo vẽ đến năm 2019 sẽ xong toàn bộ diện tích đất của 27 huyện còn lại, sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu này”- ông Chung nói.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã cơ giới hóa toàn bộ quá trình thu gom rác thải. Thành phố đã khánh thành nhà máy 75 tấn/ngày đêm xử lý rác thải y tế, độc hại bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng của thành phố; kêu gọi đầu tư 3 nhà máy công suất 5.500 tấn/ngày đêm. Đến hết năm 2020 toàn bộ rác thải của thành phố sẽ đưa vào công nghệ đốt phát điện.

Liên quan đến lắp đặt 16 trạm quan trắc ô nhiễm không khí và quan trắc nguồn nước ô nhiễm, cho đến nay thông số ô nhiễm không khí và nước đều thông báo trên Đài Truyền hình Hà Nội để người dân đều nắm được. Năm 2019 – 2020 sẽ lắp thêm 95 trạm quan trắc không khí ở tầm thấp và tầm cao, cũng như quan trắc nguồn nước tại các dòng sông.

Tuy vậy, ông Chung thừa nhận Hà Nội vẫn còn nhiều điểm phức tạp: Ô nhiễm các dòng sông, xâm phạm sử dụng đất rừng ở Ba Vì và Sóc Sơn diễn biến phức tạp, kéo dài qua nhiều năm. Giải quyết khiếu nại đất đai của người dân ở khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh; xử lý ô nhiễm không khí; lượng xe máy ô tô quá nhiều, hiện có 5,8 triệu xe máy và 700.000 ô tô chưa kể của lực lượng vũ trang.

Thế Kha