1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ "muốn có gì đó mới giải quyết"

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trong buổi đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chỉ đạo xử lý những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, "muốn có gì đó mới giải quyết".

Doanh nghiệp "than" chi phí xây dựng hệ thống phòng cháy quá cao

Ngày 19/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, các địa phương và trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn.

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ muốn có gì đó mới giải quyết - 1

Đại diện các doanh nghiệp, HTX nêu tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh (Ảnh: Thúy Diễm).

Hội nghị nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, HTX để tập trung giải quyết các khó khăn. Qua đó tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Đắk Lắk.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh về các vấn đề: giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ vay vốn kinh doanh, giảm các loại thuế, triển khai quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ,...

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - cho biết, một trong những vướng mắc, trăn trở của nhiều doanh nghiệp là việc liên tiếp 3 năm (2020-2022), Bộ Xây dựng ban hành 3 quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến doanh nghiệp khó có thể theo kịp và rất tốn kém trong việc thực hiện.

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ muốn có gì đó mới giải quyết - 2

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - than về quy chuẩn xây dựng hệ thống PCCC (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Thanh dẫn chứng, mới đây có một doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư 1.000m2 xây nhà xưởng với chi phí khoảng 3 tỷ đồng và phải bỏ thêm 1,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống PCCC (chiếm 30% tổng kinh phí xây dựng).

Theo ông Thanh, hầu hết các doanh nghiệp tại Đắk Lắk quy mô vừa, nhỏ nên thường biến động, thay đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, khi thay đổi công năng hoạt động lại phải thay đổi hệ thống PCCC theo quy chuẩn mới sẽ rất khó khăn, tốn kém.

"Tôi mong có sự nghiên cứu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã yếu lắm rồi, đầu tư rất khó, khi thay đổi quy chuẩn PCCC cần có lộ trình, nếu thay đổi xoành xoạch, sao doanh nghiệp cập nhật kịp thời?

Do đó, doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến lên các Bộ, ngành trung ương có giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp tỉnh nhà nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung", Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, có 792 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 11% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trưởng giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ muốn có gì đó mới giải quyết - 3

Đại diện các Sở, ngành, các địa phương trao đổi tại hội nghị (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư nhưng chưa được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chỉ số PCI của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh thành.

Cũng theo ông Hà, việc các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là nỗi trăn trở của địa phương. Việc suy giảm của một số doanh nghiệp do Covid-19 kéo dài, tiềm năng năng lượng tái tạo không còn khuyến khích như trước, bất động sản đóng băng... Nhiều doanh nghiệp lớn được ví "đại bàng" đã bị "gãy cánh"; doanh nghiệp vừa và nhỏ không tạo dự án lớn để lan tỏa.

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ muốn có gì đó mới giải quyết - 4

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - trao đổi về khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế của tỉnh (Ảnh: Thúy Diễm).

Đặc biệt, vùng Tây Nguyên không phải là vùng lợi thế về chi phí đầu tư, chi phí logistics cao. Do đó, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được đầu tư sẽ là nút gỡ cho nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng của thu hút đầu tư là công tác quy hoạch của tỉnh phải bài bản, khoa học, cụ thể và quy hoạch 2021-2030 của tỉnh đã được trình Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - yêu cầu, các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương giải quyết thấu đáo vướng mắc, kiến nghị với tinh thần "khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó" nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Vướng mắc nào giải quyết được phải giải quyết ngay, còn chưa giải quyết được phải đưa ra giải pháp, lộ trình kịp thời xử lý.

Chủ tịch Đắk Lắk: Xử lý ngay cán bộ muốn có gì đó mới giải quyết - 5

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị quán triệt xử lý các cán bộ có đạo đức yếu kém, gây nhũng nhiễu (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Nghị chỉ đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm, có thái độ phục vụ tốt nhất đến người dân, doanh nghiệp. Phải xử lý nghiêm túc cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn kém dẫn tới nhiều vụ việc kéo dài, không xử lý được gây tốn kém cho dân cũng như doanh nghiệp.

Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn cho biết, ông đã nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp về việc cán bộ có đạo đức công vụ kém, "muốn có gì đó mới chịu giải quyết". Ông chỉ đạo cần chấn chỉnh, quyết liệt xử lý những vấn nạn nhức nhối này.

Ông Phạm Ngọc Nghị cũng đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giảm các chi phí, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.