1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ đầu tư "bảo vệ" dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(Dân trí) - Sau bài báo đăng trên Dân trí phản ánh Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (BQL) đề nghị loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL), chủ đầu tư 2 dự án này đã có văn bản phản ứng với nhận định của BQL.

Các nhà khoa học khảo sát tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện ĐN 6, 6A
Các nhà khoa học khảo sát tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện ĐN 6, 6A

Không ảnh hưởng đến đề cử di sản thiên nhiên thế giới

Theo văn bản ĐLGL gửi BQL và báo Dân trí, vị trí hai bậc thang thủy điện ĐN 6, 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG). Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi VQG, thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Hai dự án này có sử dụng 136,98 ha đất thuộc khu Cát Lộc để hình thành một phần lòng hồ và vai trái đập. Theo ông Phạm Anh Hùng, Phó tổng giám đốc ĐLGL, phạm vi ngập thêm này cũng thường bị ngập trong tự nhiên vào mùa lũ khi chưa có các dự án này.

Cũng theo ĐLGL, VQG Cát Tiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt bao gồm hai khu vực: khu A là khu Cát Lộc, khu B là khu Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên. Khu vực đề cử di sản Thiên nhiên thế giới thuộc khu B là  khu Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên, không có khu Cát Lộc. Vị trí của ĐN 6, 6A nằm cách khu vực đề cử Di sản thiên nhiên thế giới là hơn 25km, nằm giữa 2 khu vực này là thị trấn Đồng Nai, trung tâm huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Do đó, ông Hùng cho rằng: “Hai dự án này không tác động đến môi trường sống tự nhiên nơi đây và do đó sẽ không ảnh hưởng đến việc bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của khu vực này”.

Còn về ý kiến BQL cho là thủy điện ĐN 6, 6A sẽ ảnh hưởng đến khu đất ngập nước Bàu Sấu, ĐLGL khẳng định là không ảnh hưởng. Theo văn bản của công ty này, nước ngập trong khu vực Bàu Sấu chủ yếu được cung cấp từ thượng nguồn lưu vực suối Đắk Lua. Vào mùa mưa, nước sông Đồng Nai dâng cao và khi mực nước khu vực Bàu Sấu thấp hơn mực nước sông Đồng Nai nước sẽ chảy từ sông Đồng Nai vào suối Đắk Lua.

Ông Phạm Anh Hùng cho rằng: “Khi có các thủy điện ĐN6 và ĐN6A, vào mùa khô mực nước trên sông Đồng Nai được các thủy điện này duy trì liên tục cao hơn mức trung bình dòng chảy tự nhiên mùa khô nên sẽ có tác động tích cực là duy trì được tốt hơn mực nước trong Bàu Sấu nhờ giảm lưu lượng nước chảy từ Bàu Sấu ra sông Đồng Nai. Vào mùa mưa, các hồ chứa ĐN 6, 6A chỉ xả lưu lượng đúng bằng lưu lượng lũ về hồ nên không làm giảm lưu lượng lũ về hạ lưu, do đó không ảnh hưởng đến lượng nước từ sông Đồng Nai chảy vào Bàu Sấu”.

Giảm số lượng động, thực vật nhưng không làm mất hoàn toàn gen

Về đánh giá của BQL cho là nhiều loài động, thực vật quý hiếm có thể bị tuyệt chủng, ĐLGL cho biết: “Kết quả khảo sát của đơn vị lập Báo cáo ĐTM cho thấy hệ động, thực vật khu vực dự án là các loài phổ biến, có vùng phân bố rộng, dễ thấy ở nhiều nơi... Tác động của dự án là chỉ làm giảm số lượng cá thể động, thực vật nhưng không làm mất đi hoàn toàn gen, loài cũng như không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự  nhiên quan trọng của VQG Cát Tiên”.

Đơn vị này cũng cho là thủy điện ĐN 6, 6A sẽ không gây nên hiện tượng khô hạn trong mùa khô, sạt lở mùa mưa vì các dự án này được thiết kế với quy trình vận hành đảm bảo duy trì dòng chảy cho hạ lưu trong ngày liên tục với lưu lượng và mực nước tối thiểu cao hơn lưu lượng trung bình mùa khô trong tự nhiên. Vào mùa lũ, các hồ chứa ĐN 6, 6A chỉ xả lưu lượng đúng bằng lưu lượng lũ về hồ nên không làm tăng thêm lũ cho hạ du.

Việc cung cấp nước sản xuất cho người dân hạ lưu cũng sẽ không ảnh hưởng vì 18 công trình trạm bơm hiện hữu và trong quy họach có lấy nước trên sông Đồng Nai từ sau 2 thủy điện này có tổng lưu lượng thiết kế là 10,02 m3/s. Trong khi đó, thiết kế và chế độ vận hành các thủy điện này sẽ duy trì lưu lượng tối thiểu cho hạ du ở mức 68 m3/s vào mùa khô và 25 m3/s trong trường hợp hạn hữu phải ngừng sửa chữa nhà máy hoặc thiếu nước nghiêm trọng phía thượng nguồn.

Về di chỉ khảo cổ Cát Tiên, theo ĐLGL, khu di chỉ này nằm cách xa các vị trí dự án trên 20 km. ĐLGL cũng khẳng định: “Đơn vị lập báo cáo ĐTM cũng đã làm việc với Sở VH-TT-DL các tỉnh khu vực dự án là Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và xác nhận không có các di chỉ khảo cổ, văn hóa trong phạm vi dự án”.

Ông Phạm Anh Hùng còn cho biết: “Các dự án này không phải di dân, tái định cư nên không làm xáo trộn và không ảnh hưởng lớn đến đời sống, văn hóa của người dân”.

Tùng Nguyên