Chốt kiểm lâm đóng tại đường độc đạo, gỗ vẫn “tuồn” khỏi rừng!

(Dân trí) - “Lên hiện trường mới thấy rừng bị chặt hạ, cắt khúc gỗ chở về Hoài Sơn trên tuyến đường độc đạo. Chốt Kiểm lâm xã Hoài Sơn cách điểm phá rừng khoảng 5km, không hiểu tại sao suốt thời gian dài người ta chở gỗ đi lại không ai phát hiện” - Chủ tịch UBND huyện An Lão nói.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Bình Định nói về vụ gần 61ha rừng bị xóa sổ

Ngày 20/9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương có liên quan tới vụ phá gần 61ha rừng ở khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1 (thuộc xã An Hưng, huyện An Lão).

Gần 61ha rừng “bốc hơi” do... kiểm tra không hết

Tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã báo cáo chi tiết diễn tiến vụ phá rừng xảy ra ở khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) cũng như các bước tổ chức kiểm tra, kiểm điểm đối với các cán bộ kiểm lâm có liên quan.

“Sở đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các công chức kiểm lâm có liên quan, tạm đình chỉ 2 công chức trực chốt chặn tại xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) và điều chuyển công tác 2 kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng”.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) nhận khuyết điểm về vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện này.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) nhận khuyết điểm về vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện này.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) cho rằng, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão thực hiện không nghiêm túc kết hoạch và quyết định của UBND huyện thì không xảy việc phá rừng nghiêm trọng này.

“Chúng tôi hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày để động viên cho anh em cho tổ công tác tuần tra bảo vệ rừng. Cả tháng tuần tra, mật phục về, Hạt Kiểm lâm báo cáo tình hình ổn nên UBND huyện cũng tin tưởng tình hình khu vực rừng giáp ranh ổn. Giờ lên hiện trường, mới thấy việc người ta đốn hạ, cắt khúc gỗ, củi chở về xã Hoài Sơn. Đường về chỉ có một tuyến độc đạo đi qua trạm kiểm lâm xã Hoài Sơn, cách vị trí phá rừng 5 km. Vậy mà trong suốt thời gian dài, không ai phát hiện, ngăn chặn được. Tôi không hiểu lý do vì sao” - ông Nam nói.

Ông Nam nói thêm: “Khi cán bộ kiểm lâm xã Hoài Sơn điện thoại báo tin phá rừng, sau đó Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cử lực lượng đi kiểm tra nhưng lại kiểm tra ở tiểu khu 6 chứ không kiểm tra ở tiểu khu 1 (khu vực rừng bị phá - PV). Việc này, Hạt cũng không báo cáo lại với UBND huyện, nên chúng tôi cũng không biết thông tin. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc này, bản thân tôi rất đau xót, xin nghiêm túc nhận khuyết điểm”.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão nói rằng, công tác bảo vệ rừng được kiểm lâm huyện thực hiện rất quyết liệt, song địa hình hiểm trở và một phần do chủ quan (?).

“Tiểu khu 1 gần 1,5 ngàn ha với 9 khoảnh, trong đó khoảnh số 7, 8 muốn đi vào phải vượt qua một dãy núi, nên anh em chủ quan đi không hết! Qua vụ việc này, bản thân tôi thấy còn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát kiểm lâm địa bàn. Với trách nhiệm hạt trưởng tôi xin nhận trách nhiệm và hình thức kỷ luật theo quy định” - ông Tá thừa nhận.

Sao chốt kiểm lâm đóng tại đường độc đạo, gỗ vẫn “tuồn” khỏi rừng?

Theo cơ quan chức năng, khu vực rừng bị phá cách xã An Hưng 10 km đường rừng, cách chốt bảo vệ rừng Dự án Jica 2 khoảng 5 km, đường đi rất khó khăn. Nếu di chuyển bằng ô tô, xe máy phải đi từ xã Hoài Sơn của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đi qua địa phận xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) mới đến được vị trí phá rừng. Thế nhưng, gần 61 ha rừng bị phá, không biết bao nhiêu mét khối gỗ được “tuồn” ra ngoài tiêu thụ.


Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, thẳng thắn phê bình kiểm lâm 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn

Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, thẳng thắn phê bình kiểm lâm 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu nghi vấn chỉ có một con đường độc đạo đi qua chốt chặn bảo vệ rừng tại xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), nhưng “lâm tặc” đưa gỗ ra khỏi rừng mà kiểm lâm không hay là rất lạ.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn giải thích, trạm này không phải là trạm của kiểm lâm huyện Hoài Nhơn mà là của dự án Jica 2. Hoạt động trạm này có những bất cập trong việc tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn vì chốt trưởng là cán bộ của Ban quản lý dự án, nên chỉ làm việc giờ hành chính. Do vậy, kiểm lâm địa bàn hết giờ hành chính phải về chốt trạm ở xã Hoài Phú. Trong khi đó, khu vực phía bắc huyện Hoài Nhơn diện tích rừng lớn, nhưng chỉ có 3 kiểm lâm và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Có gần 61 ha rừng bị chặt phá
Có gần 61 ha rừng bị chặt phá

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho rằng, quy chế phối hợp giữa kiểm lâm 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn không chặt chẽ. “Nếu thời điểm nhận thông tin, kiểm lâm 2 huyện tổ chức kiểm tra chính xác thì diện tích phá rừng không lớn thế này. Chúng tôi có kiểm điểm Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn vì biết thông tin phá rừng khu vực giáp ranh, nhưng không cử cán bộ đi kiểm tra. Quyết định của Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn ký, yêu cầu cán bộ phải trực 24/24. Tuy nhiên, kiểm lâm chỉ làm ban ngày, nên lâm tặc lợi dụng ban đêm để đưa gỗ ra ngoài”- ông Dũng nói.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định gay gắt: “Vụ việc rất nghiêm trọng, dù là rừng phục hồi sau nương rẫy, nhưng thiệt hại lớn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhiều bộ, ngành cũng rất quan tâm, yêu cầu tỉnh sớm báo cáo vụ việc. Tinh thần của tỉnh là làm kiên quyết, các lực lượng được huy động phải nỗ lực hết mình. Phải làm rõ đối tượng nào chủ mưu, cầm đầu. Ai, tổ chức, cá nhân nào liên quan cũng phải xử lý nghiêm túc, dứt khoát không bao che”.

“Đây là vụ việc liên quan đến uy tín, danh dự của tỉnh và trách nhiệm của tỉnh với Trung ương trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, nên không có chuyện làm qua loa, chống chế. Tôi sẽ làm việc với Công an, Viện Kiểm sát, TAND tỉnh. Bằng mọi giá phải làm cho ra”- ông Dũng nhấn mạnh.

Doãn Công