1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chống đối, né tránh, chậm thực hiện kết luận thanh tra

(Dân trí) - Ông Lê Quang Hà - Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra - cho biết, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường có biểu hiện chống đối, né tránh hoặc chậm thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

K
Kết thúc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền rất lớn và kỷ luật hàng loạt cá nhân, tổ chức liên quan (Ảnh minh họa).

Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xử lý sau thanh tra diễn ra chiều 31/3 tại Hà Nam, ông Lê Quang Hà - Phó vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) - cho biết từ năm 2012 đến nay, công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra trong ngành thanh tra được quan tâm và đề cao thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Nhất là năm 2014, khi qua công tác thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, trong đó có 8.059 tỷ đồng kiến nghị thu hồi qua thanh tra hành chính (đã thu hồi được 639 tỷ đồng) và 43.524 tỷ đồng qua hoạt động thanh tra chuyên ngành (đã thu hồi 12.553 tỷ đồng).

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.357 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra (chủ yếu kết luận từ năm 2013 và thời gian trước), thu hồi và xử lý khác 1.160/1.1670 tỷ đồng (đạt tỷ lệ trên 69%), 1.479/1.505 ha đất (98,3%).

“Kết quả xử lý sau thanh tra năm 2014 cho thấy tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra đạt tỷ lệ cao hơn so với những năm trước đây. Năm 2014 đạt tỷ lệ 69,5%, những năm trước tỷ lệ này chỉ đạt trên 30% đến dưới 50%”- ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hà, trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra cũng gặp phải không ít những khó khăn như: thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; chế tài xử lý trong việc không thực hiện kết luận thanh tra; một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, kiến nghị còn chung chung, chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân có vi phạm; quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, điều hành do Hội đồng kỷ luật của cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ quyết định.

“Do vậy còn hiện tượng quyết định hình thức kỷ luật chưa tương xứng đối với hành vi vi phạm; việc phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác xử lý sau thanh tra chưa chặt chẽ, nhất là trong xử lý về kinh tế”- ông Hà nói.

Thực tiễn công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra cho thấy đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường có biểu hiện chống đối, né tránh hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. “Do vậy cần có những giải pháp như: tuyên truyền, thuyết phục, cưỡng chế,…để đối tượng thanh tra cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra”- ông Hà nêu kinh nghiệm.

Ngoài ra, việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra cần được thực hiện bằng văn bản và cần nêu rõ ai là người phải thực hiện, thực hiện nội dung gì và khi nào thực hiện. “Nếu có sai phạm về hành chính, kinh tế thuộc thẩm quyền thì xử lý sai phạm kịp thời. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”- ông Hà đề nghị.

Thế Kha