1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà

Đàm Quang – Thái Bá

(Dân trí) - Mấy chục năm nay, cuộc sống của những con người dưới chân đập thủy điện Hòa Bình vẫn cứ dập dềnh như sông nước, dù những ngày Tết Nguyên đán đang đến cận kề.

Chông chênh theo sông nước

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp ghé thăm xóm vạn chài ở phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trái ngược với những hình ảnh xô bồ, đông đúc của phố thị ngày Tết, làng chài Thịnh Lang như một thế giới khác, thế giới của nỗi buồn và sự bấp bênh.

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà - 1

Làng vạn chài trên sông Đà ở thành phố Hòa Bình có từ hàng chục năm nay (Ảnh: Đàm Quang).

Tiếp chúng tôi là ông Ngô Văn Thông, Trưởng xóm vạn chài - người đàn ông "định cư" ở đây hơn 40 năm trước. Ông kể, gia đình mình nhiều đời làm nghề chài lưới, sống và di chuyển lênh đênh trên sông nước. Thuyền đậu chỗ nào thì xem là nhà chỗ đó, thấy tôm cá cạn kiệt thì lại rời đi nơi khác.

Những năm 1975 gia đình ông di chuyển đến khu vực sông Đà, hạ lưu thủy điện Hòa Bình ngày nay, đoạn thuộc Phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình sinh sống. Rồi cùng với hơn 20 gia đình khác neo đậu tại đây hình thành nên làng chài Tân Thịnh.

"Trận lũ lịch sử năm 2017, cả xóm vạn chài di chuyển đến nơi neo đậu mới tại khu Sân Cơ, chân cầu Hòa Bình 3, thành công dân tổ 14, phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình", ông Thông kể.

Cũng theo ông Thông, việc gọi là công dân của phường thực chất là cho có gốc gác, địa chỉ chứ trên thực tế những hộ dân thuộc xóm vạn chài như ông bao đời nay không một tấc đất cắm dùi.

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà - 2

Người dân làng vạn chài sống phụ thuộc vào sông nước (Ảnh: Đàm Quang).

Làng vạn chài Thịnh Lang có 72 hộ với 247 nhân khẩu. Hầu hết, các gia đình ở đây sống chen chúc trên chiếc thuyền nhỏ. Nhiều gia đình 2 hoặc 3 thế hệ cùng sinh sống. Vào những ngày mưa bão trẻ nhỏ không thể đi học được, các lao động chính trong làng chài không dám đi làm xa, chỉ quanh quẩn ở nhà để chống giữ thuyền, giữ nhà bè vì sợ mưa bão đánh tan trôi đi mất.

Chị Lê Thị Duyên (SN 1973) cho biết, dân vạn chài như chúng tôi sống phụ thuộc vào sông nước, ngày nào cá tôm nhiều thì kiếm được vài trăm nghìn, ngày ít thì chỉ đủ thức ăn. Để cải thiện cuộc sống, nhiều hộ tận dụng những khoảng trống còn sót lại trên thuyền hay mép sông để nuôi thêm gia súc, gia cầm.

"Cuộc sống ở dưới sông nước tính mạng con người rất là mong manh, nhất là người già và trẻ nhỏ, chỉ sở sẩy là bị ngã xuống sông chết đuối", chị Duyên chia sẻ.

Mơ một tấc đất cắm dùi

Những năm gần đây, nguồn tôm cá trên sông dần cạn kiệt, nên việc mưu sinh của người dân cũng lận đận hơn. Những lao động chính trong gia đình dần dịch chuyển lên bờ, tìm việc làm và cơ hội đổi đời.

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà - 3

Các hộ dân ở làng chài sống trên những chiếc thuyền, bè nhỏ bé chông chênh theo sông nước (Ảnh: Đàm Quang).

Việc lên bờ với những người vốn chỉ quen với sông nước cũng là một bài toán nan giải, khi hồ sơ của các công dân vạn chài chỉ "đủ" mỗi sức khỏe, các yêu cầu cơ bản còn lại của nhà tuyển dụng như bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng đều bằng 0.

Bởi vậy nên đổi đời theo nghĩa tích cực đâu chưa thấy, chỉ thấy tệ nạn xã hội được du nhập về làng nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Toàn là một trong những nạn nhân của vấn nạn trộm cắp. Một đêm chị Toàn mất 3 cái xe đạp - tài sản quý giá nhất của gia đình.

"Nhiều nhà tích góp mua được chiếc xe máy, xe đạp để đi chợ bán cá, chở con đi học, tối đến để trên bờ, trong hàng rào, sáng ra đã mất. Chuyện mất trộm gà, vịt ở đây như cơm bữa", chị Toàn buồn rầu kể lại.

Ông Nguyễn Văn Khoát (SN 1955) buồn bã nói: "Vì cuộc sống lênh đênh lận đận nên ước mơ bao đời nay của chúng tôi là có một tấc đất cắm dùi, để con cháu được đi học, để đám cưới được tổ chức đàng hoàng, và để những người già như chúng tôi sau này có chết cũng còn có chỗ chôn cất đàng hoàng".

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà - 4

Nhiều người dân ở làng chài mơ có một tấc đất cắm dùi để con cái lên bờ đi học thuận tiện, người già chết có chỗ làm đáng tang (Ảnh: Đàm Quang).

Theo ông Trưởng xóm vạn chài, mấy năm trước cả làng chài nghe tin sẽ được bố trí đất ở trên bờ ai cũng mừng vì sẽ sớm được ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp. "Chờ mãi, đến nay 5 năm trôi qua hi vọng mảnh đất cắm dùi của chúng tôi đã chìm đắm vào dĩ vãng. Bà con nhiều người nằm dưới sông nước cứ ngóng nhìn lên bờ nghĩ mà tủi thân, ứa nước mắt".

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Mỹ Bình - Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình cho biết, trên địa bàn tổ 14, phường Thịnh Lang có 72 hộ dân, với 247 nhân khẩu làm nghề chài lưới và nuôi trồng thủy sản.

Do không có khả năng tự mua đất làm nhà, vì vậy có tới trên 95% số dân phải ở nhà bè và thuyền dưới sông Đà. Cuộc sống không đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản, nhất là những ngày mưa bão và thủy điện Hòa Bình xả lũ.

"Cả phường Thịnh Lang tính đến nay có 28 người nghiện ma túy, riêng làng Vạn Chài có tới  22 người, nguyên nhân một phần là do họ ở sông nước cách biệt, ít được tiếp xúc với xã hội, dẫn đến những người dân này nhận thức kém. Các nhà bè ở dưới sông làm ảnh hưởng đến luồng lạch an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng mỹ quan, ô nhiễm nguồn nước cho hạ lưu sông Đà", Chủ tịch UBND Phường Thịnh Lang nói.

Chông chênh cuộc sống người làng chài trên sông Đà - 5

Giấc mơ bao đời nay được lên bờ của người dân làng vạn chài chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực (Ảnh: Đàm Quang).

Bà Bình cho biết thêm, phường cũng đề nghị cơ quan các cấp ở tỉnh Hòa Bình, tạo điều kiện về quỹ đất, để cấp đất theo quy định cho 82 hộ dân làng chài thuộc tổ 14 phường Thịnh Lang, để họ có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.