Chồng bạo hành vợ có thể bị cấm tiếp xúc dưới 50m
(Dân trí) - Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc gần với nạn nhân khoảng cách 50m trở lên. Trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.
Chiều 27/5, báo cáo Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam.
Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục.
Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực.
Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu ra là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập. Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình trong luật hiện hành còn khá phức tạp.
Luật hiện hành không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình. Trong thực tế, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người phải ra khỏi nhà lại là người bị bạo lực.
Bộ trưởng Hùng cho biết, biện pháp xử phạt hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình cũng chưa phát huy hiệu quả. Nhiều trường hợp, người bị bạo lực gia đình lại là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chính điều đó khiến cho người bị bạo lực gia đình không muốn tố cáo hành vi bạo lực trong lần tiếp theo; việc xử phạt cũng không có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người gây bạo lực.
Để khắc phục những bất cập trên, ngoài phạt tiền cần có các biện pháp mang tính bền vững hơn như giáo dục kiểm soát hành vi, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ người gây bạo lực tham gia các khóa học về kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực…
Cụ thể, trong dự thảo luật bổ sung quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; xử lý, xác minh tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Dự thảo luật cũng quy định cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên. Trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.