1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chọn người đứng đầu

Nhiều văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu và khẳng định, mọi việc thành công hay thất bại trước hết là do người đứng đầu, không phải chỉ trong mỗi cấp ủy Đảng, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sản xuất kinh doanh…, trong đó vai trò, trách nhiệm người đứng đầu được coi là yếu tố quyết định.

Thực tế cho thấy, nếu chọn người đứng đầu không đúng sẽ dẫn đến nội bộ phát sinh bè phái, mất đoàn kết, công việc trì trệ, không tạo được điểm nhấn, nét mới, thậm chí phong trào giậm chân tại chỗ, mất dần niềm tin của quần chúng.

Thời gian qua, nhiều Đảng bộ các tỉnh, thành phố đã tiến hành đại hội, được đánh giá là thành công; bầu được ban chấp hành (BCH) có đủ tiêu chuẩn cả đức và tài, có bản lĩnh vững vàng; người đứng đầu Đảng bộ tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức, là hạt nhân quy tụ để lãnh đạo phong trào. Tuy nhiên, cũng có một vài địa phương, sau đại hội, cán bộ và nhân dân còn băn khoăn, việc bố trí người đứng đầu cấp ủy chưa qua thử thách rèn luyện trong thực tiễn, hiệu quả công việc chưa có gì nổi trội. Điều đó chưa thể khẳng định đúng hay sai, ít ra phải trải qua một vài năm điều hành mới có đủ cơ sở để đánh giá và khẳng định được. Tuy nhiên, bố trí sai cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở thì có thể sửa được, tác hại chỉ trong một địa phương, cơ sở. Còn nếu bố trí sai cán bộ lãnh đạo đứng đầu cấp Trung ương thì tác hại vô cùng lớn, không những về đối nội mà cả đối ngoại; làm tổn hại cho cả nước vì Đảng Cộng sản là Đảng duy nhất cầm quyền.

Tôi còn nhớ khi Bác Hồ chọn đồng chí nào làm Tổng Bí thư thay đồng chí Trường Chinh, Bác dành nhiều thời gian trao đổi với nhiều cán bộ lãnh đạo ở các chiến trường, khi Bác thấy được sự đồng thuận mới báo cáo với Bộ Chính trị và BCH Trung ương. Không những thế, Bác còn chọn cả người kế thừa chức vụ Tổng Bí thư thời kỳ đó.

Học tập Bác, các nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm  đến chức vụ người đứng đầu của Đảng. Là nhà chính trị đứng đầu một Đảng, trước hết đồng chí đó phải có đủ tố chất của nhà lãnh đạo, có sức quy tụ đoàn kết được trí tuệ của tập thể Bộ Chính trị, BCH Trung ương, có đủ kiến thức để hoạch định đường lối, chính sách cả về đối nội và đối ngoại, phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Người đứng đầu một tổ chức chính trị khác với các cán bộ giữ trọng trách chuyên ngành từng lĩnh vực, nên tiêu chí chọn người đứng đầu của Đảng, ở cấp lãnh đạo chiến lược đòi hỏi phải thật chặt chẽ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp diễn ra, toàn Đảng, toàn dân đang mong đợi. Sự sáng suốt của các đại biểu dự đại hội và của BCH Trung ương, tất cả vì sự nghiệp của đất nước, của Đảng để chọn được đúng người đứng đầu của Đảng, đủ sức quy tụ, phát triển sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để đưa đất nước đi lên, thực hiện tốt đường lối đối ngoại mà Đảng đã đề ra; xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh như Di chúc của Bác Hồ trước lúc đi xa.

Trong bối cảnh “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”-như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã khẳng định, thì có các thông tin trái chiều, dễ dẫn đến những nhận định đánh giá cán bộ khác nhau. Do vậy, cần có quy chế lựa chọn cán bộ thật dân chủ, công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, có như vậy mới chọn được đúng người có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân.

Khi đánh giá sự thành công của Đại hội Đảng, trước hết là đánh giá chất lượng của BCH Trung ương, nhất là chất lượng của Bộ Chính trị-cơ quan lãnh đạo ở tầm chiến lược, đồng thời đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu là Tổng Bí thư. Sai lầm về kinh tế có thể sửa được, còn sai lầm về bố trí cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là người đứng đầu, thì hậu quả sẽ khó lường. Lựa chọn cán bộ tham gia lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước phải được coi là yếu tố quyết định thành công của đại hội.

Theo ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương)

Báo Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm