1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Khánh Chương:

“Chọn Hoa Sen làm Quốc hoa phù hợp với văn hóa và lịch sử”

(Dân trí) - Qua nhiều cuộc hội thảo và trưng cầu ý kiến, hoa Sen vẫn chiếm giữ vị trí áp đảo trong cuộc bầu chọn Quốc hoa do Bộ VH-TT-DL phát động. <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi với Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về sự kiện này.


“Chọn Hoa Sen làm Quốc hoa phù hợp với văn hóa và lịch sử” - 1

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Khánh Chương
 

PV: Theo những con số vừa được BTC công bố, hoa Sen đang nhận được sự ủng hộ lớn để trở thành Quốc hoa. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

 

Họa sỹ Trần Khánh Chương: Việc hoa Sen nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân là điều không bất ngờ. Theo tôi, sở dĩ hoa Sen được mọi người bầu chọn nhiều là vì nó là một biểu tượng đã được thừa nhận trong văn học và phù hợp với sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ ngàn đời nay.

 

Việc lựa chọn Quốc hoa được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện, đây cũng là việc cần làm tại Việt Nam để giới thiệu ra bạn bè quốc tế. Ấn Độ đã chọn hoa Sen trắng làm Quốc hoa, nếu có chọn chắc chắn ta phải chọn hoa Sen hồng. Đây là loại hoa rất gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam, bên cạnh đó chúng ta còn có thể định hình được về mặt nghệ thuật, có thể chiêm ngưỡng trong một khoảng thời gian dài. Hoa Lúa, hoa Cau cũng thuộc những loại hoa mang đặc trưng nhưng chúng ta lại chỉ được nhìn ngắm ở một khoảng thời gian nhất định mà thôi.

 

Với kết quả bầu chọn sơ bộ vừa được thống kê, ông có tin rằng hoa Sen sẽ trở thành Quốc hoa trong thời gian tới?

 

Với những kết quả bầu chọn vừa được BTC công bố, tôi tin hoa Sen hồng sẽ sớm được lựa chọn để trở thành Quốc hoa trong lai. Chọn hoa Sen làm Quốc hoa là phù hợp với văn hóa và lịch sử Việt Nam. Để tìm ra sự thống nhất tuyệt đối chúng ta cũng không thể lựa chọn theo những suy nghĩ áp đặt. Theo tôi, BTC cần làm rõ và công bố rộng tiêu chí cuộc bầu chọn, đưa ra những phân tích đánh giá để người dân tham gia bình chọn hiểu rõ về giá trị văn hóa và lịch sử.

 

Cùng với cuộc bầu chọn Quốc hoa, Bộ VH-TT-DL cũng tổ chức bầu chọn Quốc phục Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về cuộc bầu chọn này?

 

Theo tôi đây là việc không phải dễ vì cuộc bầu chọn Quốc phục sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề. Về trang phục phụ nữ, áo dài chắc chắn là sự lựa chọn đầu tiên vì trang phục này đã được cách tân và hiện vẫn được chị em sử dụng rộng khắp trong cả nước. Nhưng áo dài với nam lại không còn phù hợp, không còn được sử dụng vì nó mang hình ảnh của các quan lại thời phong kiến, mang hình ảnh của sự lạc hậu.

 

Đã chọn Quốc phục, theo tôi chúng ta phải lựa chọn loại trang phục được đông đảo nhân dân sử dụng. Comple là loại trang phục châu Âu du nhập vào Việt Nam, nhưng đã trở thành trang phục được nam giới sử dụng nhiều, đi với áo dài thì rất đẹp và hợp. Phải chăng chúng ta nên có sự cải biến chất liệu (loại vải), tay áo, cúc áo…cho phù hợp với đặc trưng Việt Nam.

 

Vậy còn kế hoạch bầu chọn ra loại Quốc tửu thì sao thưa ông?

 

Đây là một việc mà các nhà tổ chức phải làm kỹ lưỡng, cần được tiến hành trong thời gian dài, vì Quốc tửu là liên quan đến đồ uống. Muốn làm được điều này, chúng ta  phải bỏ ra tới 1 hoặc 2 năm đề rà soát các làng nghề nổi tiếng trong cả nước để tìm ra loại rượu chất lượng và nhiều đặc trưng Việt Nam nhất.

 

Là Quốc tửu thì địa phương sản xuất cần phải đưa ra công bức rõ ràng, quay trở lại với những phương thức sản xuất truyền thống và phải đảm bảo tối đa chất lượng sau khi đã được công nhận là Quốc tửu. Tránh trường hợp sau khi được thừa nhận chất lượng lại giảm sút, việc này có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của văn hóa Việt Nam.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Ngọc Cương (thực hiện)