Quảng Trị:
Chợ quê nhộn nhịp, người dân đội mưa mang hương sắc Tết về nhà
(Dân trí) - Tranh thủ ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, mặc dù thời tiết không thuận lợi, người dân Quảng Trị vẫn hối hả tập trung đến các điểm trưng bán hoa Xuân để mang hương Tết về nhà; các phiên chợ Tết vẫn nhộn nhịp không khí bán mua.
Hối hả chở Xuân về nhà
Những ngày cuối năm âm lịch, tiết trời Quảng Trị se lạnh kèm theo mưa nhưng không khí sắm Tết của người dân vẫn không kém phần nhộn nhịp. Ai cũng hối hả đi sắm cho gia đình những thứ cần thiết để vui Xuân, đón Tết. Bên cạnh những vật phẩm thì hoa, cây cảnh là thứ không thể thiếu, bởi nó mang hương Tết đến với mọi nhà.
Anh Nam, người bán hoa cảnh cho biết: “Dù đợt này mưa lạnh nhưng người dân vẫn tất bật đi mua hoa về trưng Tết. Người bán hoa cũng thấy phấn khởi vì bán được hàng sớm chừng nào hay chừng ấy để về đoàn tụ với gia đình”.
Theo khảo sát, giá các loại cây mai, đào, quất… năm nay cao hơn mọi năm do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, nguồn hàng khan hiếm. Tuy nhiên, mức chênh lệch cũng chỉ cao hơn khoảng 200-300 ngàn đồng. Người tiêu dùng bình thường vẫn có thể chọn cho mình các loại cúc Đà Lạt bắt mắt hoặc các chậu cây cỡ nhỏ để chơi Tết.
Ghi nhận của PV, bất chấp mưa lạnh, nhiều người dân vẫn mặc áo mưa đi mua hoa Tết. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nên ai cũng tất bật, hối hả để chuẩn bị đón một cái Tết ấm áp, đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Những người làm nghề chở cây thuê kiếm bộn tiền trong ngày Tết
Một người dân đã chọn được cây đào vừa mắt
Nhộn nhịp phiên chợ quê
Ngày cận Tết, người dân từ các nơi tập trung về chợ phiên Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) để mua sắm Tết, khiến chợ này đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường.
Chợ Phiên Cam Lộ được hình thành từ lâu với những nét đẹp cổ truyền đã đi vào tâm hồn của biết bao người dân Quảng Trị. Đã có rất nhiều ngôi chợ khang trang mọc lên trong vùng, nhưng chợ phiên Cam Lộ vẫn thu hút lượng người bán, người mua sầm uất nhất, bởi những nét riêng độc đáo của nó vẫn còn vẹn nguyên tính truyền thống.
Ngoài việc đến đây để trao đổi, mua bán hàng hóa, nhiều người đi chợ Phiên Cam Lộ chủ yếu để thăm thú chợ, ngắm kẻ bán người buôn, gặp gỡ bạn bè, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của một phiên chợ quê. Cũng chính vì thế mà nhiều người còn ngẫu hứng đặt vè, hát đối đáp với nhau làm cho không gian văn hóa ở chợ Phiên thêm phong phú.
Phiên chợ cuối năm (họp ngày 28 Tết âm lịch), không chỉ người các làng trong huyện, trong tỉnh, mà người tận Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... cũng đổ về đông vui như đi dự hội.
Từ tờ mờ sáng, khách đã đến họp chợ rất đông, thậm chí, để cho kịp chợ phiên sáng, những người ở nơi xa đã chuẩn bị hàng hóa của mình thật chu đáo rồi mang đến chợ từ chiều hoặc đêm hôm trước. Vốn là phiên chợ quê nhưng ở đây vẫn có đủ các loại hàng hóa và phong phú nhất vẫn là mặt hàng nông sản, những sản vật do người nông dân ở nhiều miền quê khác nhau một nắng hai sương làm ra như các loại rau, quả, gạo, nếp của vùng đồng bằng Cam Thanh, Cam Thủy, đến chè xanh, hồ tiêu của xứ Cùa đất đỏ hay những mặt hàng đan lát từ các làng nghề truyền thống. Cũng có nhiều mặt hàng được đưa về từ Hướng Hóa, Đakrông, hay từ tận Quảng Bình vào, Huế ra…
Chợ được thành lập từ năm 1621, là trung tâm thương mại lớn nhất nhì của vùng đất Thuận Hóa từ thế kỷ 17, 18. Đây cũng là khu chợ lâu đời nhất tại địa phương. Khi ấy, chợ Phiên đã là chợ “quốc tế” với trên bến dưới thuyền, một thị trường thông thương từ Cửa Việt lên chợ Phiên Cam Lộ nối thẳng sang Lào. Thị trường nội địa đã tạo mối liên kết đặc biệt để chợ Phiên trở thành trung gian giữa hai cửa khẩu là Cửa Việt và Dinh Ai Lao, tức Lao Bảo ngày nay.
Theo dòng thời gian, trải qua bao nhiêu biến động và dịch chuyển song chợ Phiên Cam Lộ là một trong số ít các chợ ở tỉnh Quảng Trị còn duy trì hình thức sinh hoạt chợ phiên. Cứ tới các ngày họp chợ, các sản vật, hàng hoá từ những làng quê, phố phường... theo các ngả đường bộ, đường sông vẫn đổ về tấp nập và kẻ bán người mua sầm uất, nhộn nhịp như ngày xưa.
Đăng Đức - Chí Trung