1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chó Phú Quốc - Giống chó tinh khôn và đa tài

(Dân trí) - Đến nay nguồn gốc chó Phú Quốc vẫn còn là một đề tài bàn cãi, chưa có hồi kết. Tuy nhiên, sức cuốn hút và độ tinh khôn của chó Phú Quốc thì nhiều người thừa nhận. Người dân trên đảo và những người yêu chó Phú Quốc muốn gìn giữ, bảo tồn giống chó này một cách bài bản hơn.

Nguồn gốc…

Theo nhiều bậc cao niên ở Phú Quốc, giống chó xoáy Phú Quốc cũng không rõ nguồn gốc có từ đâu, xuất hiện ở Phú Quốc từ khi nào. Nhưng với họ, chó Phú Quốc gần như xuất hiện xuyên suốt từ thời mở cõi vùng đất này và theo thời gian những chú chó Phú Quốc vẫn tồn tại song hành với người dân trên đảo.

Anh Huỳnh Phước Huệ - thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (chủ Bảo tàng Cội Nguồn ở Phú Quốc) cho biết, theo những tài liệu anh nghiên cứu, giống chó có xoáy trên lưng như chó Phú Quốc hiện nay trên thế giới có 3 nơi: Phú Quốc, Thái Lan và một địa phương ở Nam Mỹ.


Anh Sơn tham gia cuộc thi dogshow ở TP. HCM, trong cuộc thi này có 40 chú chó tham gia và chú chó Phú Quốc của anh vinh dự đạt giải Nhì tại cuộc thi.

Anh Sơn tham gia cuộc thi dogshow ở TP. HCM, trong cuộc thi này có 40 chú chó tham gia và chú chó Phú Quốc của anh vinh dự đạt giải Nhì tại cuộc thi.

Nhiều tài liệu cũng cho rằng, giống chó này xuất phát từ Pháp; người khác lại nói có nguồn gốc từ giống chó xoáy Thái Lan. Nhưng về ngoại hình, đặc tính và kể cả những tư liệu sách sử của Việt Nam thì những luận cứ cho rằng chó Phú Quốc có nguồn gốc từ Pháp, Thái Lan là không có cơ sở.

Bởi, theo một nhà nghiên cứu có nhiều bài viết về chó Phú Quốc viện dẫn rằng: trong sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ”, một cuốn sách gia truyền ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc Nhà Nguyễn, có nhắc đến 4 con chó Phú Quốc được gọi là cận về của vua Gia Long. Và ít nhất, 4 chú chó này 02 lần bảo vệ tính mạng cho vua Gia Long. Bởi thế, khi vua Gia Long lên ngôi, ngoài việc bình công phong thưởng cho tướng sĩ, vua Gia Long không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khổ phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”.

Trong thời gian bôn tẩu, 4 chú chó Phú Quốc theo sát vua Gia Long. Do vậy, khi ông sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) rất có thể 4 chú chó này cũng theo ông. Và trong thời gian đó, có khi 4 chú chó này ra ngoài tìm bạn tình, để lại những chú chó Phú Quốc con trên đất Xiêm.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, trước vua Gia Long, quân đội Tây Sơn đã từng dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển rồi, mà nhà Tây Sơn thì không có vị vua nào đặt chân đến Thái Lan cả. Do vậy, việc cho rằng giống chó Phú Quốc có nguồn gốc từ Thái Lan là thiếu thuyết phục.

Giống chó quý hiếm…

Có thể nói, anh Huệ là một trong những người mê và sưu tầm, nuôi chó Phú Quốc theo hình thức trang trại đầu tiên ở Phú Quốc. Khi anh làm hướng dẫn viên du lịch trên đảo, nhất là thời gian anh sưu tầm các món đồ cổ lập bảo tàng Cội Nguồn ngày nay, anh Huệ bắt đầu tìm hiểu kỹ và cất công sưu tầm giống chó Phú Quốc.

“Càng tìm hiểu mình càng bị giống chó này cuốn hút, từ ngoại hình đến tập tính hoang dã, độ tinh khôn, khả năng săn mồi… của chúng, tất cả đều tuyệt vời" - Anh Huệ chia sẻ.

Sau lớp tập huấn về bảo tồn gen chó Phú Quốc do trường ĐH Cần Thơ tổ chức từ những năm 1988, 1999… Anh Huệ nghiên cứu và bắt đầu khởi nuôi theo hình thức trang trại vào năm 2002. Có thời điểm, trại của anh tập hợp trên 200 con chó Phú Quốc tuyệt đẹp, hội đủ 5 tiêu chí: xoáy lưng, móng đeo, chân màng, tai dựng, đuôi vuốt cần câu và lông sát.

Nhưng anh Huệ nuôi chó được vài năm, mô hình nuôi chó tập trung không phù hợp với giống chó hoang dã như chó Phú Quốc. Đàn chó bắt đầu phát bệnh, chết dần… Mỗi lần có một chú chó chết, anh Huệ như đứt từng đoạn ruột. Anh Huệ nhận thấy, việc anh muốn bảo tồn giống chó này với việc nuôi dưỡng chúng là hai vấn đề khác nhau. Có khi với cách nuôi của anh là mình đang đày đọa chúng? Cuối cùng anh quyết định giải thể trại chó Phú Quốc cho nhẹ lòng.

Anh Huệ cho biết, chó Phú Quốc là giống chó rất tinh khôn, dù bản tính hoang dã rất nhiều nhưng rất mến chủ và nghe lời chủ. Như những chú chó tại Bảo tàng của anh, dù không cần dạy nhưng khi khách vào tham quan, các chú chó im lặng, không sủa tiếng nào. Nhưng khi những người bán vé số, chạy xe ôm vào chào mời khách… là chúng sủa tới tấp.

Trong đàn chó Phú Quốc bao giờ cũng có con đầu đàn, con chó này sẽ phân công nhiệm vụ cho các con chó còn lại. Ngoài ra, chó Phú Quốc phân chia lãnh địa rất rõ ràng và một đặc điểm đáng quý ở chó Phú Quốc là độ nhớ chủ rất lâu. Vì khi chủ bán hoặc cho chúng… hai ba năm sau khi gặp lại chủ nhân, chúng nhận ra chủ ngay.

Cần bảo tồn một cách khoa học

Hiện nay, trên đảo ngọc Phú Quốc có nhiều điểm nuôi chó Phú Quốc theo kiểu tập trung, vừa bảo tồn vừa khai thác du lịch, tuy nhiên chỉ một hai cơ sở đạt cả hai tiêu chí này. Còn việc bảo tồn những gen chó Phú Quốc quý, hiếm thì chưa có đơn vị nào làm bài bản, khoa học.

“Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu về đặc tính của giống chó Phú Quốc, tôi nhận ra rằng việc nuôi tập trung sẽ không hiệu quả. Chó Phú Quốc không thích ở nhà đẹp, ăn thức ăn sang… chúng thích tự do săn mồi, thích đào hang ở, thích ăn thêm lá, cỏ để tăng cường sức khỏe… Do vậy, chỉ còn cách tốt nhất là cơ quan chức năng cần tuyên tuyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên đảo, có ý thức nuôi, cùng nhau giữ gìn giống chó Phú Quốc ở trong gia đình là phù hợp nhất”- Anh Huệ chia sẻ.

Mặt khác, song song với mô hình này thì cơ quan chức năng cần có một trung tâm, vừa có chức năng thông hành cho chó Phú Quốc, vừa có chức năng gìn giữ, bảo tồn giống chó quý hiếm.

Cụ thể, khi người dân có nhu cầu bán chó thì họ mang đến trung tâm để kiểm tra mọi thứ. Nếu phát hiện những con chó quý hiếm, trung tâm bỏ tiền ra giữ lại, bảo tồn; còn những chú chó bình thường, tạo sàn cho người dân trao đổi, mua bán.

Ông Nguyễn Văn Tiến – thị trấn Dương Đông, người có nhiều năm nuôi và có ý thức muốn gìn giữ giống chó Phú Quốc đẹp, đúng chuẩn nhiều năm qua theo hình thức nuôi tại gia. Hiện tại ông Tiến đang sở hữu một con vện, 3 năm tuổi. Theo nhiều người am hiểu về chó Phú Quốc thì trên đảo không còn nhiều con chó có nhiều đặc điểm quý: xoáy lưng dài, tai đứng, lưỡi đốm, đuôi vót cần câu… như con chó của ông Tiến.

Ông Tiến cho biết: Việc bảo tồn hiện nay không một cơ quan nào đứng ra làm chủ trì nên mạnh ai nấy làm; các trung tâm thì nặng về du lịch, kinh tế nên đôi khi có chó đẹp là bán. Mặt khác, khi nuôi tập trung, đàn chó đối mặt với nguy cơ dịch bệnh rất cao, tỷ lệ hao hụt sẽ lớn. Do vậy, người dân chúng tôi rất cần một cơ quan giữ gìn, bảo tồn giống chó Phú Quốc.

Anh Võ Hồng Sơn – là một người dân Phú Quốc rất tâm huyết với việc bảo tồn và giới thiệu chó Phú Quốc với bạn bè trong nước và quốc tế qua những cuộc thi. Hiện anh là thành viên Hiệp hội nuôi chó giống Việt Nam (VKA). Ngày 7/11 vừa qua, VKA đã chính thức gia nhập Hội nuôi chó giống quốc tế (FCI)

Anh Sơn chia sẻ: “Giống chó Phú Quốc là một trong những vật quý mà tổ tiên ông cha ta để lại. Phải làm thế nào để khách tham quan đến Phú Quốc không chỉ biết đến nước mắm, hồ tiêu mà còn biết đến chó Phú Quốc. Năm nay, cá nhân tôi và những người yêu chó Phú Quốc rất vui khi đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) linh vật Tuất lấy cảm hứng từ chó Phú Quốc. Đây là niềm vui và vinh dự cho người dân Phú Quốc chúng tôi”.

Ông Lê Phước Nghiệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Hiện nay trên đảo có nhiều trung tâm đang nuôi dưỡng, bảo tồn chó Phú Quốc với quy mô lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách làm tự phát, chưa bài bản, khoa học về việc bảo tồn nhất là bảo tồn những gen chó Phú Quốc tốt; Do vậy, thời gian tới, huyện đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cần có một đề án, thành lập một trung tâm bảo tồn giống chó Phú Quốc một cách khoa học để gìn giữ, bảo tồn những gen chó Phú Quốc quý hiếm còn sót lại. Vì thực tế hiện nay, những con chó Phú Quốc đẹp, trên đảo không còn nữa, nhưng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì có nhiều...”

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm