1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cho phép nghe lén điện thoại để “tóm” tội phạm tham nhũng?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết một trong những điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận cả ngày hôm nay 6/11 là việc cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, trong đó có nghe lén điện thoại để “tóm” tội phạm tham nhũng.

 

Ông Đỗ Văn Đương.
Ông Đỗ Văn Đương.

 

Phóng viên: Thưa ông, biện pháp điều tra đặc biệt được sử dụng khi nào?

Ông Đỗ Văn Đương: Biện pháp điều tra đặc biệt (gồm theo dõi bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử và sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật) được sử dụng khi cần điều tra về những hành vi tham nhũng, tội phạm có tổ chức, khủng bố, rửa tiền, tội phạm ma túy cần phải áp dụng biện pháp công nghệ cao.

Tội phạm trong những lĩnh vực này thường có thủ đoạn gây án, che giấu hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi. Trước khi gây án chúng đã tìm mọi cách che giấu, xóa dấu vết phạm tội rồi. Cho nên nếu chúng ta chỉ sử dụng phương pháp điều tra thủ công như hiện nay thì chưa hiệu quả.

Cái này không phải bây giờ mình nghĩ ra đâu, mà đó là thành tựu chung của các nước người ta làm rồi. Suy cho cùng muốn điều tra thành công thì phải có chứng cứ và chứng cứ lấy được càng sớm càng tốt, bởi vì một trong những cái tội phạm gây khó khăn cho điều tra là thủ tiêu chứng cứ. Một trong những khó khăn trong các vụ án tham nhũng là thu hồi tài sản, tài sản tham nhũng bị tẩu tán tài sản nên khi thi hành án là không còn đồng nào cả. Thế thì không đạt yêu cầu.

Vấn đề trong đấu tranh tội phạm tham nhũng không chỉ là trừng phạt mà là cả thu hồi tài sản. Người ta nói “hi sinh đời bố củng cố đời con” là đúng đấy. Mình đi làm công chức cả ngày thế này được một hai trăm nghìn thôi nên không thể để tình trạng cứ đi tù mấy năm về vẫn có khối tài sản lớn được. Nên phải cho biện pháp sớm hơn.

Vấn đề ở đây là áp dụng biện pháp này phải chặt chẽ. Ở đây chúng tôi đề nghị (Ủy ban Tư pháp là cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự - PV) phải là thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên mới được quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt và phải được viện trưởng VKSND cùng cấp phê chuẩn thì mới thực hiện.

Những cái gì minh bạch thì kiểm soát được, còn cái gì nằm trong bóng tối khó kiểm soát thì phải quy định rất rõ về thẩm quyền. Kiểm sát chặt chẽ việc này để tránh lạm dụng, lợi dụng gây mất đoàn kết, trả thù, bôi nhọ, vu khống nhau là không được. Khi không còn điều kiện áp dụng nữa thì phải hủy bỏ ngay biện pháp điều tra đặc biệt.

Ví dụ như bây giờ một người đang bị tình nghi, trong quá trình đi công tác, giao dịch mà suốt ngày bị theo dõi thì không làm ăn được, bởi nó còn liên quan đến đời tư, bí mật gia đình, cá nhân.

Chúng ta luôn tôn trọng quyền công dân nhưng phải “mở ra” cho cơ quan đấu tranh chống tội phạm. Nhân đạo là không chỉ nhân đạo với một con người cụ thể mà phải vì công đồng nói chung, vì an ninh trật tự nữa chứ. Trừng phạt người nào đó phải đủ bằng chứng. Theo Hiến pháp, quyền con người chỉ bị hạn chế bằng luật.

Khi đó cơ quan điều tra có áp dụng đồng thời biện pháp điều tra đặc biệt và các biện pháp điều tra thông thường khác hay không?

Có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp công khai. Như một vụ án xảy ra, tôi có thể kết hợp với khám nghiệm hiện trường công khai, có đầy đủ thành phần người chứng kiến, đồng thời vẫn áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt mà ông không thể biết như khám xét bí mật, ghi âm ghi hình bí mật, thu giữ tài liệu bí mật... Đấy là cơ sở để chuyển hóa thành chứng cứ và nhờ đó người ta mới ra lệnh phong tỏa tài sản - đó là biện pháp công khai xem số tài sản nào, nằm ở ngân hàng nào... rất cụ thể.

Việc theo dõi, nghe lén điện thoại đối tượng tình nghi phạm tội được thực hiện bắt đầu từ thời điểm VKSND phê duyệt cho áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt?

Đó là khi xác định được hành vi phạm tội, khởi tố vụ án rồi thì người có thẩm quyền - phải là thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên - đề xuất và phải được viện trưởng VKSND cấp tỉnh trở lên duyệt, thì mới được thực hiện và chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Việc này vừa để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp, nhưng cũng không xâm phạm bí mật đời tư cá nhân.

Các nhà mạng có bắt buộc phải hợp tác với cơ quan điều tra trong việc nghe lén điện thoại như vậy không?

Cơ quan điều tra có thể sử dụng đường truyền và phối hợp với nhà mạng. Thu giữ điện tín phải có sự phối hợp của bưu điện, tổ chức làm dịch vụ chuyển phát bưu điện. Ví dụ như muốn “rút” một loạt số điện thoại người đó giao dịch chẳng hạn, liên lạc bao nhiêu lần, vào thời gian nào thì phải phối hợp mới có được thông tin đó chứ. Nhưng cũng có thể chỉ cần thông qua đường truyền để thu thập thông tin.

Ở nhiều nước họ cũng có luật về vấn đề này để theo dõi chống khủng bố, chống gián điệp. Mình vừa rồi cũng có công ty có phần mềm gián điệp ấy. Nhưng ở đây, tôi nói đi nói lại, được điều tra đặc biệt là phải quy định về quy trình rất chặt chẽ, không phải cấp huyện được áp dụng được. Phải có thời hạn điều tra đặc biệt, có phê chuẩn, vừa tạo điều kiện cho anh điều tra khám phá, thu thập chứng cứ, kịp thời ngăn chặn, phong tỏa tẩu tán tài sản nhưng cũng có quy định để không được lợi dụng.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)