PhotoStory

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển "dọa nuốt làng"

Thực hiện: Thanh Tùng

(Dân trí) - Biển xâm thực mạnh khiến nhiều diện tích đất ở tại Thanh Hóa trôi theo dòng nước. Người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ biển "nuốt" làng, chính quyền địa phương đã phải ban bố tình huống khẩn cấp.

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển "dọa nuốt làng" (Video: Thanh Tùng).

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 1

Một chiều cuối tháng 10, bà Chu Thị Hồng (48 tuổi, trú thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lững thững ra bờ biển phía trước nhà, ánh mắt đượm buồn nhìn những cơn sóng dữ đang cuồn cuộn xô vào bờ, trong lòng không giấu được nỗi âu lo. Nhà bà Hồng trước đây ở cách mép nước biển vài trăm mét, nhưng hiện nay khoảng cách đó đang dần bị rút ngắn lại, còn vài chục mét do biển xâm thực. Mỗi mùa mưa đến, nước biển dâng cao, tràn cả vào căn nhà nhỏ của gia đình bà.

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 2

"Chưa bao giờ nước biển lấn nhanh như vậy. Biển xâm thực nhanh khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Chẳng bao lâu nữa nước lấn sâu vào tận nhà, chúng tôi chẳng biết có thể ở nơi này được nữa không. Nước biển dâng vào ban ngày còn chạy kịp, chứ vào ban đêm thủy triều lên là lo nơm nớp", bà Hồng lo lắng.

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 3

Theo bà Chu Thị Hồng, khoảng một tháng trở lại đây, biển xâm thực mạnh. Mỗi ngày trôi qua, những cơn sóng đang dần tiến sâu vào đất liền khiến nhiều diện tích đất ở bị cuốn trôi, rừng phi lao chắn sóng trơ gốc, đổ ngả nghiêng bên bờ biển. Nhìn cảnh tượng hoang tàn ấy, bà sợ căn nhà cấp bốn là tài sản duy nhất của gia đình rồi nay mai cũng bị sóng biển "nuốt". 

Nhiều năm trước, khu làng biển Tân Xuân vốn bình dị, hằng ngày người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Mấy năm qua, biển xâm thực mạnh, một số gia đình đã phải bỏ khu làng chài, chuyển nhà đi nơi khác ở. Số hộ còn lại vì không có tiền mua đất nên đành ở lại "sống chung với lũ".

Theo báo cáo từ UBND xã Hoằng Phụ, thôn Tân Xuân có 21 hộ với 77 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, biển xâm thực. 

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 4

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, tình trạng biển xâm thực diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với triều cường, gió mạnh, sóng lớn và dòng chảy cửa Lạch Hới phức tạp khiến bờ biển nơi đây bị xâm thực mạnh hơn. 

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 5

Biển xâm thực đã gây sạt lở khoảng 1.000m2 đất ở của 3 hộ gia đình tại thôn Tân Xuân. Biển xâm thực còn làm sạt lở, biến đổi hiện trạng khoảng 15ha đất ở, đất nuôi trồng thủy sản, đất quy hoạch cụm công nghiệp và đất rừng phòng hộ. Nước biển tiến sâu vào đất liền trung bình khoảng 75m. 

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 6

Biển tiến sát vào khu vực trụ sở làm việc của Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới thuộc Đồn biên phòng Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 7

Nước biển xâm thực kèm theo triều cường dâng đã kéo lượng lớn rác thải vào bờ. Dọc bờ biển thôn Tân Xuân ngập ngụa rác thải, nhiều khu vực rác chất thành đống ngay trước cửa nhà người dân. 

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 8

Những gốc phi lao to lớn bị sóng biển đánh đổ, trơ trụi trên bãi cát.

Chính quyền công bố tình huống khẩn cấp khi biển dọa nuốt làng - 9

Trước thực trạng trên, ngày 24/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng sạt lở và biển xâm thực tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng dự báo tình trạng sạt lở, xâm thực sẽ tiếp tục diễn ra, và rất khó lường. Do đó, UBND huyện Hoằng Hóa được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến biển xâm thực; cắm mốc, biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai bờ biển khu vực biển xâm thực để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán, di dời người dân khi có tình huống xấu xảy ra.