Quảng Bình:
Xâm thực nghiêm trọng đe dọa xóa sổ làng biển
(Dân trí) - Người dân tại những ngôi làng ven biển của xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang rất lo lắng trước tình trạng xâm thực ngày càng nhanh của biển. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, những ngôi làng này có thể sẽ bị xóa sổ trong tương lai.
Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tuyến bờ biển thuộc địa phận xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) phải gánh chịu tác động nặng nề của triều cường, gió bão, dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển tại địa phương này đang diễn ra với tốc độ nhanh.
Tuyến bờ biển xã Cảnh Dương có chiều dài khoảng 2km, là nơi sinh sống lâu đời của hàng trăm hộ dân thuộc 3 thôn Đông Cảng, Yên Hải và Trung Vũ.
Theo người dân ở đây, nhiều năm trước, mực nước biển cách làng phải trên 500m, nhưng bây giờ biển đã áp sát nhà dân, đặc biết vào lúc mưa bão, sóng biển còn dâng lên tận đường làng, đe dọa cuộc sống của họ.
“Chỗ mực nước biển hiện tại trước đây là nơi ở của nhiều hộ dân trong làng tôi, nhưng cứ qua từng năm biển lấn thêm một ít nên phải chạy sâu vào bên trong. Người dân chúng tôi rất lo lắng vì tình trạng này ngày càng diễn ra nhanh hơn”, anh Đồng Thanh Thuyết, một người dân thôn Đông Cảng lo lắng.
Để đối phó với thực trạng này, hàng năm UBND xã Cảnh Dương cùng người dân đều chuẩn bị vật tư, nhân lực và lên phương án phòng chống sạt lở theo phương châm “bốn tại chỗ”. Để hạn chế tình trạng xâm thực của biển, người dân tại địa phương này còn mang gạch đá từ việc làm nhà đổ ra phía bờ biển với hy vọng giữ được đất làng.
Tuy nhiên trước thực trạng biển xâm thực nhanh như hiện nay, đây chỉ là biện pháp tạm thời. Người dân Cảnh Dương đang rất mong sớm có được một tuyến đê biển hoặc kè chắn sóng để họ yên tâm an cư lạc nghiệp.
Ông Lê Quang Trung, Trưởng thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương cho biết, trong cơn bão số 10 vừa qua, sóng còn dâng cao đưa theo đất cát vùi lấp kín đường ven biển khiến người dân phải thuê máy ủi để dọn. Ông Trung cũng bày tỏ lo lắng khi những cơn bão sắp tới, có thể nhiều hộ dân trong thôn của ông sẽ phải di dời vì không an toàn.
“Sau cơn bão số 10 vừa qua nước biển lại tiếp tục lấn sâu thêm, gần bờ biển có nhiều quán, hàng của người dân đã bị sóng biển làm lở móng đành bỏ hoang. Nhà dân giờ chỉ cách khu vực sạt lở chừng vài bước chân thôi”, ông Trung nói.
Vấn đề sạt lở ở bờ biển xã Cảnh Dương đã được dự báo và đánh giá tác động từ lâu. Trước đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng đã cử cán bộ chuyên môn vào xã Cảnh Dương để khảo sát làm đê biển. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí nên đã tạm ngừng lại.
Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, vì không có kinh phí nên việc xây dựng tuyến đê biển rất khó, nhưng UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý trích ngân sách để làm kè chắn sóng với kinh phí 9 tỉ đồng, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018. Với kè chắn sóng này sẽ hạn chế được tình biển xâm thực, đỡ thiệt hại và lo lắng cho nhân dân.
“Chúng tôi cũng rất vui mừng khi tỉnh đồng ý xây dựng kè chắn sóng. Mới đây chúng tôi cũng đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát tình hình để có thể triển khai sớm, đảm bảo cho cuộc sống mưu sinh lâu dài cho người dân”, ông Tiến cho hay.
Tiến Thành