1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ngãi:

Chính quyền "bí" hướng xử lý cụm công trình không phép

(Dân trí) - Dù chưa được cấp phép nhưng sân bóng đá mini, hồ bơi... đã mọc lên trên diện tích đất hơn 4.000 m2 do UBND xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) quản lý. Điều đáng nói là suốt nhiều năm qua, chính quyền huyện Tư Nghĩa vẫn chưa thể xử lý dứt điểm công trình này.

Năm 2015, bà Đ.T.H.K. (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) xin thuê hơn 4.000 m2 đất nằm trong khu sinh hoạt văn hóa 2/9 của xã Nghĩa Kỳ. Trên cơ sở này, UBND xã Nghĩa Kỳ đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Tư Nghĩa thu hồi đất và giao cho bà K. thuê đất xây dựng sân bóng đá mini.

Ngày 5/6/2015, UBND huyện Tư Nghĩa có Công văn số 777 thống nhất chủ trương cho bà K. được đầu tư xây dựng sân bóng đá mini trên diện tích chính xác là 4.041m2. Thời hạn khai thác sử dụng đất tối đa không quá 20 năm; hết thời hạn khai thác, sử dụng phải bàn giao nguyên hiện trạng sân bóng đá mini cho UBND xã Nghĩa Kỳ quản lý, khai thác sử dụng mà không yêu cầu bất kỳ khoản chi phí nào đã đầu tư. 

Năm 2016, dù chưa có quyết định cho thuê đất, chưa được cấp phép nhưng bà K. đã tiến hành xây dựng sân bóng đá mini, nhà điều hành trên diện tích đất nói trên. Suốt một thời gian dài sau đó, công trình không phép này hoạt động rầm rộ giúp bà K. thu lợi nhưng UBND xã Nghĩa Kỳ vẫn không có bất cứ một động thái nào.

Chính quyền bí hướng xử lý cụm công trình không phép - 1
Năm 2016, cụm công trình sân bóng mini, nhà điều hành không phép được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Trên cơ sở phản ánh của người dân, tháng 8/2018, UBND huyện Tư Nghĩa cho kiểm tra và ban hành kết luận liên quan đến công trình này. Theo đó, UBND huyện Tư Nghĩa giao UBND xã Nghĩa Kỳ đình chỉ hoạt động; buộc tháo dỡ công trình trong thời gian 1 tháng kể từ ngày công bố kết luận. Tuy nhiên, đến nay công trình không phép này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Thông tin với PV Dân trí vào sáng 27/3, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Hồng Hà cho rằng, việc để công trình không phép mọc lên và đi vào sử dụng là nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cho xã. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng công trình nhằm phục vụ người dân.

Theo ông Hà, dù UBND xã đã yêu cầu tháo dỡ công trình nhưng chủ đầu tư không đồng ý. Lý do chủ đầu tư đưa ra là phải được bồi thường thiệt hại mới tổ chức tháo dỡ.

"Động viên rồi nhưng họ không tháo dỡ mà đòi bồi thường. Nếu chủ đầu tư không làm thì xã sẽ lập biên bản và tổ chức tháo dỡ theo đúng chỉ đạo của UBND huyện", ông Hà nói về công trình không phép tồn tại suốt nhiều năm sát bên cạnh UBND xã.

Chính quyền bí hướng xử lý cụm công trình không phép - 2

Đến thời điểm này, chính quyền huyện Tư Nghĩa vẫn "bí" hướng xử lý đối với công trình này.

Về phía UBND huyện Tư Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lê Trung Thành cho biết, khi xã đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân để hoàn thành các thủ tục cho thuê đất thì chủ đầu tư tự ý xây dựng công trình với vốn khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong quá trình đó, UBND huyện cũng có phần lỗi vì chưa chỉ đạo rõ ràng, UBND xã lại hiểu sai vấn đề nên để chủ đầu tư hoàn thành công trình.

"Liên quan đến vấn đề này huyện đã kiểm điểm, xử lý một số cá nhân liên quan. Riêng Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ bị kỷ luật với hình thức Cảnh cáo. Do có một số vướng mắc nên bây giờ chủ đầu tư họ không hợp tác tháo dỡ và cho biết sẽ kiện ra tòa đòi bồi thường", ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, giải pháp trước mắt là đã đình chỉ hoạt động của công trình này. Nếu chủ đầu tư kiên quyết không tháo dỡ thì sẽ xem xét cưỡng chế.

"Trước tiên là tiếp tục vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ nếu không thì tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên vấn đề này phải được xem xét cẩn thận trước khi quyết định cưỡng chế để tránh sai sót sẽ gây thiệt hại nhiều hơn", ông Thành nói.

Như vậy, do sự "nhập nhằng" lúc cho chủ trương đầu tư mà đến tận bây giờ chính quyền huyện Tư Nghĩa vẫn "bí" hướng xử lý một công trình không phép.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm