Chính phủ đề xuất lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Hoài Thu

(Dân trí) - Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi thành lập sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện) và 133 đơn vị hành chính cấp xã, theo phương án đề xuất của Chính phủ.

Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh Thừa Thiên Huế luôn giữ vị thế quan trọng với vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa.

Đây cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh.

Chính phủ đề xuất lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - 1

Thành phố Huế được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: Hồng Phong).

Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước.

"Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có diện tích hơn 4.947km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người; gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Huế, 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền); 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường, 7 thị trấn).

Chính phủ đề xuất lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - 2

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hồng Phong).

Về phương án sắp xếp, bà Trà cho biết sẽ thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng hơn 4.947 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời với thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Như vậy, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có hơn 4.947km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã); có 133 đơn vị hành chính cấp xã.

Trên cơ sở này, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đồng thời xem xét, quyết định thành lập 2 quận thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương; thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Đối chiếu với hiện trạng thực tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương", theo quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Chính phủ đề xuất lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - 3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao trình Quốc hội xem xét quyết định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ họp thứ 8 (Ảnh: Hồng Phong).

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, theo cơ quan thẩm tra, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và các quận, thị xã, phường, thị trấn cũng sẽ dẫn tới một số khó khăn, thách thức cho công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, như: việc xác định mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp; việc chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp; các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh; việc cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị…

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có kế hoạch và định hướng, giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề nêu trên khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khi nêu ý kiến cũng nhấn mạnh việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là niềm tự hào riêng của Thừa Thiên Huế, mà là niềm tự hào chung của cả nước.

Theo ông Phương, khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây cần nhấn mạnh các tiêu chí đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, trong đó có thu nhập bình quân đầu người theo tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đã vượt. 

"Cần có chính sách đột phá về phát triển kinh tế, xã hội dựa vào thế mạnh của Thừa Thiên Huế", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Chính phủ đề xuất lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - 4

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần quan tâm đến các tiêu chí làm nổi bật thế mạnh của Thừa Thiên Huế, trong đó có những việc có tiền cũng không làm được, như xây dựng thành phố xanh, sạch đẹp; xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh, quyết đoán, quyết liệt quyết tâm, quyết làm.

"Mục tiêu cuối cùng của việc lên thành phố trực thuộc Trung ương là lo cho người dân Huế có cuộc sống sung túc hơn", ông Mẫn nhấn mạnh.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao trình Quốc hội xem xét quyết định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại kỳ họp thứ 8 tới.