1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ:

Chính giới Mỹ lạc quan về kinh tế Việt Nam

Cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhận định: Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn và đối với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, sáng 24/6 (giờ địa phương), tại thủ đô Washington, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ, chứng kiến lễ ký biên bản thỏa thuận về xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến Thương mại hai nước và các hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp hai nước tại trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Đại diện các tập đoàn của Hoa Kỳ đều bày tỏ mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực là thế mạnh của Hoa Kỳ như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, giáo dục - đào tạo...

Trước đó, Thủ tướng đã tham dự phiên họp lần thứ 4 Hội đồng Tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam-Hoa Kỳ. Cùng với việc đánh giá lại kết quả hoạt động của hội đồng từ kỳ họp lần thứ 3 tháng 9/2007 tới nay, phiên họp còn tập trung đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam bảo đảm cân bằng tăng trưởng, kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe các thành viên Hội đồng Tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam-Hoa Kỳ báo cáo 3 chuyên đề về duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát; phát triển thị trường vốn và phát triển cơ sở hạ tầng. Không chỉ nhận định và đánh giá tình hình, các báo cáo chuyên đề còn đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam giải quyết những thách thức trước mắt nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Đề cập vấn đề phát triển thị trường vốn của Việt Nam, đại diện Tập đoàn Goldman Sachs đưa ra 5 khuyến nghị nhằm giảm sự biến động của thị trường vốn, trong đó cần tập trung tăng cường tính thanh khoản của nền kinh tế bằng cách khuyến khích các công ty, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước niêm yết, trên thị trường chứng khoán; tăng cường tính minh bạch của thị trường gắn với kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản trị của các doanh nghiệp; củng cố và tăng cường năng lực của các công ty môi giới...

Ông Jeffrey Shafer, Phó Chủ tịch Tập đoàn Citi Group, đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam- Hoa Kỳ, ông Ernest Z. Bower, bày tỏ lạc quan về nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện tích cực 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt lãi suất và tỉ giá phù hợp với tín hiệu thị trường và nhu cầu phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và cố gắng duy trì tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay.

Trước đó, đêm 23/6 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc trò chuyện cởi mở với cựu Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Alan Greenspan, người được mệnh danh “thầy phù thủy của nền kinh tế Mỹ”. Thủ tướng thông báo những nét khái quát về nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng qua: Việt Nam đưa ra mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng.

Với 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7%-6,8%. Cả năm dự kiến 7%. Xuất khẩu 6 tháng tăng 30%, trong khi đó nhập siêu từ 70% quý I đã giảm xuống còn 49% trong tháng 6. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh với số vốn đăng ký đạt trên 30 tỉ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; lạm phát tháng 6 có chiều hướng giảm mạnh so với tháng trước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 3,9% xuống còn 2,2%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ông Alan Greenspan biết: Chính phủ Việt Nam hiểu rằng việc giảm lạm phát không thể thực hiện một cách đột biến, mà phải có lộ trình giảm dần từng bước, với mục tiêu đưa lạm phát trở về một con số vào cuối năm 2009. Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn tiếp tục là môi trường đầu tư hấp dẫn, chính trị, xã hội ổn định.

Chia sẻ với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Alan Greenspan thẳng thắn trao đổi: Tương tự như Trung Quốc, Nga và các nước khác, Việt Nam gặp khó khăn khi quản lý dòng tiền tệ, biên độ tăng tín dụng quá nhanh, do đó làm nảy sinh nhu cầu nhập khẩu lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất; trong khi đó, giá dầu và lạm phát trên thế giới cũng tăng nhanh. Do vậy, những việc Việt Nam đang làm như phải giảm chi tiêu ngân sách, giảm tăng trưởng tín dụng, kiềm chế lạm phát cho thấy Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng để các giải pháp của Chính phủ thành công thì Chính phủ cần mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện kiềm chế lạm phát.

Việt Nam cũng cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn sao cho đi đúng hướng để không gây ảnh hưởng đến sức sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nói về sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu, đồng thời dự báo giá dầu mỏ trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm, ông Alan Greenspan cho rằng: Khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt cũng là khó khăn chung của tất cả các nước trên thế giới song Việt Nam chắc chắn sớm vượt qua được và đối với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn là hình ảnh đang nổi lên của một nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiều 24/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Tổng thống George W.Bush; gặp gỡ lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Gates.   

Theo NLĐ, Cổng TTĐT Chính phủ, VOV, TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm