1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chiều cuối tuần đi chơi ở TPHCM, mất gần một tiếng tìm chỗ đỗ xe

Q.Huy

(Dân trí) - Nhiều năm qua, các dự án bãi đậu xe ngầm của TPHCM vẫn nằm trên giấy, xây thêm bãi xe nổi cũng quá khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu tìm chỗ đậu xe của người dân là rất lớn…

Chiều cuối tuần, ông Tuấn (ngụ TPHCM), lái ô tô 4 chỗ chở gia đình tới Công viên Bến Bạch Đằng ngắm cảnh, vui chơi. Tuy nhiên, ông phải mất gần một giờ đồng hồ để loay hoay kiếm chỗ đậu xe, bởi dọc tuyến đường đã dựng biển cấm dừng đỗ. 

Ông Tuấn bực bội kể, điểm trông giữ xe nằm tại bến buýt sông cách đó vài trăm mét là gần nhất Công viên Bến Bạch Đằng. Khi tìm được bãi xe, do là ngày cuối tuần, nơi này lại kín chỗ và không nhận thêm xe.

Giới trẻ TPHCM đỏ mắt tìm chỗ gửi xe ở Công viên bến Bạch Đằng

Thực trạng thiếu bãi xe tại TPHCM không chỉ diễn ra vào ngày cuối tuần hay những dịp lễ. Giờ tan tầm buổi chiều, người dân thường chứng kiến nhiều ô tô đậu dọc các tuyến đường cạnh trường học chờ đón học sinh, xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần...

Bãi đậu xe ngầm vẫn nằm trên giấy

Vấn đề thiếu hụt bãi xe, đặc biệt đối với khu vực trung tâm, đã được TPHCM nhìn thấy trước và đưa ra hướng tháo gỡ từ cách đây nhiều năm. Theo quy hoạch hơn 10 năm trước, khu vực trung tâm TPHCM sẽ có 4 khu bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư.

Tuy nhiên, tính đến nay, người dân thành phố vẫn chưa được chứng kiến bãi đậu xe ngầm nào đi vào hoạt động. Trong đó, dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám dù được tổ chức lễ khởi công năm 2010, nhưng đến năm 2019 đã bị chấm dứt do gặp nhiều vấn đề.

Chiều cuối tuần đi chơi ở TPHCM, mất gần một tiếng tìm chỗ đỗ xe - 1

Ô tô đậu xe thành hàng dài trên đường Tôn Thất Thiệp, quận 1, TPHCM (Ảnh: Q.H.).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết, thành phố đã có kế hoạch khai thác không gian ngầm tại một số công viên, quảng trường công cộng để đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh. Tuy nhiên, ông Thụ cũng thừa nhận, sau nhiều nỗ lực của chính quyền cùng các sở, ngành, vấn đề thiếu chỗ đậu xe vẫn là bức xúc của người dân và trăn trở lớn từ những cơ quan quản lý.

"Về mặt khách quan, việc đầu tư các công trình bãi đậu xe ngầm còn nhiều khó khăn chưa thể vượt qua. Sau nhiều đề xuất của doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, góc độ kinh tế đối với các nhà đầu tư chưa chứng minh được tính khả thi cao", ông Huỳnh Xuân Thụ chia sẻ.

Cụ thể, các công trình ngầm ngoài thực hiện công năng hướng tới còn phải đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian xanh ở phía trên. Đối với các công viên cây xanh, bãi đậu xe ngầm phải nằm sâu hơn tầng của rễ cây, đường dẫn nước ngầm.

Chiều cuối tuần đi chơi ở TPHCM, mất gần một tiếng tìm chỗ đỗ xe - 2

Dù tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu trung tâm TPHCM, nhưng người dân tới Công viên Bến Bạch Đằng gặp khó trong việc tìm chỗ gửi xe ô tô (Ảnh: Hải Long).

Do đó, chi phí đầu tư đối với các bãi đậu xe ngầm là rất lớn. Để dễ hình dung hơn, một tầng ngầm sẽ bị đội chi phí cao gấp 3 lần việc xây dựng công trình nhà để xe phía trên mặt đất.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố phân tích thêm, thông thường, để có đủ nguồn lực thực hiện dự án, các nhà đầu tư lấy lợi nhuận đến từ các tầng thương mại phía trên để bù đắp chi phí xây dựng công trình ngầm. Do vậy, việc các bãi đậu xe không có tầng thương mại phía trên sẽ khiến nhà đầu tư khó đảm bảo tính khả thi, thu hồi vốn và có lợi nhuận.

Trong bối cảnh phương tiện ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa, những bãi xe hiện hữu khó đáp ứng nổi nhu cầu của người tham gia giao thông, hạ ngầm là phương án tối ưu cho TPHCM và các đô thị đông dân khác. Tuy nhiên, với việc mong muốn giữa người dân, các cấp chính quyền và khả năng của nhà đầu tư chưa gặp nhau, quy hoạch các bãi đậu xe ngầm tại đô thị sôi động nhất cả nước vẫn nằm trên giấy.

Bãi đậu xe nổi lại thiếu đất công...

Trong khi đó, việc đầu tư các bãi đậu xe nổi, dù nguồn vốn có phần tiết kiệm hơn, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm nhiều bởi lợi nhuận không lớn.

"Đối với các khu đất tư nhân, hiện nay, chưa có chủ đầu tư nào đề xuất xây dựng các nhà giữ xe. Phía còn lại, quỹ đất công của thành phố cũng không nhiều, địa phương cũng cần sử dụng để xây dựng các công trình công cộng khác như bệnh viện, trường học, trụ sở hành chính. Chỉ còn một số khu đất còn lại để đấu giá, thu hồi ngân sách, tạo động lực phát triển", ông Huỳnh Xuân Thụ phân tích.

Chiều cuối tuần đi chơi ở TPHCM, mất gần một tiếng tìm chỗ đỗ xe - 3

Việc sử dụng đất tại khu vực trung tâm làm bãi đậu xe có hiệu quả sử dụng đất rất thấp (Ảnh: Hải Long).

Ngoài ra, bất động sản tại khu vực trung tâm thành phố có giá trị rất lớn, do vậy, khi sử dụng đất, chủ sở hữu và chính quyền đều cần tính toán đến phần thu về cho cá nhân hoặc bổ sung cho ngân sách. Việc dành riêng một phần đất chỉ để xây nhà giữ xe có hiệu quả sử dụng đất rất thấp.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông tin thêm, ngoài vấn đề về tài chính, kinh tế, việc xây thêm nơi giữ xe trong trung tâm thành phố cũng tạo điều kiện gia tăng phương tiện cá nhân. Điều này sẽ đi ngược với xu thế phát triển của các đô thị trên thế giới.

Hiện, TPHCM đã đưa ra phương án tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu đậu ô tô của người dân bằng cách thí điểm thu phí xe dừng, đỗ tại một số tuyến đường. Tuy nhiên, tình trạng né thu phí, các bãi xe tự phát, chiếm dụng vỉa hè vẫn tồn tại...

Bài toán nan giải

Ông Huỳnh Xuân Thụ cho rằng, các giải pháp đưa ra hiện nay cho vấn đề giao thông tĩnh tại TPHCM chỉ mang tính cục bộ. Để hình thành được những công trình lớn, có công năng làm bãi giữ xe vẫn là bài toán nan giải đối với địa phương.

Về lâu dài, ông cho rằng, các bãi đậu xe của TPHCM dù xây dựng bằng hình thức nào cũng cần có sự kết hợp mật thiết với hệ thống giao thông công cộng. Thành phố có thể hình thành một tuyến vành đai để người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân tới đó gửi, bên trong phần lõi trung tâm chỉ phục vụ giao thông công cộng hoặc người đi bộ.

Tuy nhiên, để giải pháp này thành hiện thực, thành phố cần thêm một khoảng thời gian dài để nghiên cứu các quy hoạch. Từ quy hoạch đó, các cơ quan có thẩm quyền mới có thể tìm ra lời giải cho vấn đề giao thông tĩnh thông qua các quy định về thuế, khuyến khích giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.